Những chuyến ly hương: Gặp lại Xồng Bá Xò và những người cùng cảnh

0:00 / 0:00
0:00
Chị Phùng A Tranh (vợ anh Xồng Bá Xò) bế đứa con hơn 1 tháng tuổi trên tay vui mừng khi đã được trở về quê
Chị Phùng A Tranh (vợ anh Xồng Bá Xò) bế đứa con hơn 1 tháng tuổi trên tay vui mừng khi đã được trở về quê
TP - “Đó là một hành trình dài, đầy cực nhọc. Giờ nghĩ lại em vẫn còn sợ”, Xồng Bá Xò tâm sự. Người đàn ông từng chở vợ và đứa con vừa mới sinh vượt nghìn cây số trên chiếc xe cà tàng, đã về nhà sau khi cách ly.Trên nẻo đường hồi hương, có bao cảnh đời ngậm ngùi, cám cảnh.

Chuyến đi bão táp

Trở lại cuộc sống bình thường sau 24 ngày cách ly, anh Xồng Bá Xò (SN 1999, trú bản Phà Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An) vẫn ám ảnh khi nhớ lại hành trình cùng vợ và đứa con sơ sinh chạy xe máy vượt hàng ngàn cây số về quê tránh dịch. Hình ảnh em bé mới 9 ngày tuổi còn đỏ hỏn được quấn trong chiếc áo da, người mẹ sinh mổ xong còn chưa cắt chỉ khiến nhiều người xót xa, ngậm ngùi. Xò kể, cuộc sống khó khăn, cuối tháng 3/2021, anh cùng vợ Phùng A Tranh (SN 2002) quyết định vào Bình Dương làm công nhân cho một nhà máy chuyên sản xuất tủ gỗ.

Vào “miền đất hứa” chưa được bao lâu thì dịch bùng phát. Dù công ty không có ca mắc COVID nhưng do tình hình chung đóng cửa nên vợ chồng anh phải nghỉ việc. Hai vợ chồng dự định về quê từ tháng trước nhưng vì vợ mang bầu sắp sinh nên phải ở lại. “Sau khi vợ sinh, cả nhà ở trong viện 4 ngày sau đó xuất viện. Mấy tháng nghỉ dịch ở nhà lo vợ sinh nở nên đã tiêu hết số tiền ít ỏi tiết kiệm được. Em bàn với vợ phải về vì không biết dịch kéo dài tới bao giờ, ở lại sẽ rất khó khăn. Nhìn quanh, thấy anh em ai cũng về quê, nên hai vợ chồng đánh liều gói đồ đạc, bồng con lên xe “chạy dịch”, dọc đường đi có gì ăn nấy”, Xò nhớ lại.

Sáng 29/7, Xò quấn con trong khăn rồi xuất phát cùng đoàn hơn 50 người về quê bằng xe máy. Đi chung chuyến có anh trai và chị dâu. Chuyến hành trình dài, chiếc xe máy cũ kỹ của anh nhiều lần chết máy, phải dừng lại sửa chữa. Trên đường đi, anh làm mất điện thoại nên cũng không thể liên lạc được với mọi người trong đoàn, chạy được một đoạn rồi mỗi người một ngả. “Lúc đó em rất hoang mang và có chút lo sợ.

Nhưng được vợ động viên, chúng em lại tiếp tục hành trình. Sau 2 ngày 2 đêm chạy xe máy, đến 3h sáng 31/7, chúng em ra đến Đà Nẵng. Vợ mới sinh sức khỏe còn rất yếu nên phải dừng xe nghỉ tạm. Tại đây, hai vợ chồng được nhiều người quan tâm, hỏi thăm và giúp đỡ. Sau đó còn được xe cứu thương hỗ trợ chở về quê nhà ở bản Phà Lõm. Đó là một hành trình đầy bão táp”, Xò bộc bạch.

Những chuyến ly hương: Gặp lại Xồng Bá Xò và những người cùng cảnh ảnh 1

Đoàn thanh niên hỗ trợ các gia đình cách ly tại huyện Tương Dương

Trở về quê và đã kết thúc cách ly theo quy định, yên tâm hơn về dịch, nhưng vợ chồng Xò lại đối diện với nỗi lo thất nghiệp.

“Nếu tính cả những ngày cách ly thì mấy tháng nay, hai vợ chồng không có lấy một đồng thu nhập. Trước mắt, hàng ngày vợ chồng lên nương làm rẫy kiếm củ khoai, củ sắn qua ngày, chứ cứ tiếp tục thế này thì cả nhà chẳng biết lấy gì mà ăn. Chuyến này vợ chồng em về quê luôn, không vào Nam nữa. Về quê có gì ăn nấy. Dù thu nhập có thể ít hơn, nhưng chi tiêu sẽ giảm nên vẫn có thể sống được”, Xò nói.

Nỗi lo cơm áo

Ngược Tam Hợp, chúng tôi đến xã biên giới Tam Quang, nơi có 367 công nhân từ các tỉnh trong nước về quê tránh dịch. Đang ở trong khu cách ly sau khi được đón về với vòng tay quê hương, Moong Văn Bình (SN 1983, trú bản Tùng Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương) xúc động kể, không riêng gì anh, còn rất nhiều người cùng cảnh ngộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và được đón về quê “né” dịch. Nhiều năm mưu sinh nơi đất khách, chuyến trở về lần này của anh rất đặc biệt.

Ông Trần Văn Toản - Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Tương Dương cho biết, toàn huyện có khoảng 10.000 lao động chưa có việc làm thường xuyên. Từ ngày 15/7 đến nay, có hơn 1.400 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh trở về địa phương. “Những công dân này cơ bản đã hoàn tất việc cách ly y tế theo quy định. Chúng tôi đang khẩn trương giải quyết vấn đề việc làm và tìm phương án hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn”, ông Toản cho hay.

Cầm trên tay suất cơm miễn phí được đoàn thanh niên xã Tam Hợp gửi tặng, anh Bình bảo: “Ngày nào cũng vậy, các bạn đoàn viên thanh niên mang những suất cơm đến cho những người đang cách ly tập trung nơi đây. Chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng”. Người đàn ông Khơ Mú cho biết, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh quyết định vào TPHCM làm thuê. Hơn một năm sau, vợ mang thai và sinh con nên anh để vợ về quê, còn mình ở lại tiếp tục làm kiếm tiền. TPHCM bùng phát đợt dịch lần thứ 4, thất nghiệp, không có thu nhập, tiền tiết kiệm cũng dần cạn, khó khăn bủa vây, anh mong được trở về quê hơn bao giờ hết. Tình cờ biết được thông tin UBND tỉnh Nghệ An có phương án đón bà con trở về, nên anh đã lên mạng đăng ký để được về với gia đình, về với quê hương.

“Đăng ký vậy thôi chứ trong lòng nghĩ không biết có được về không vì thấy mọi người xin về đông quá. Nào ngờ, 3 hôm sau, tôi nhận được cuộc gọi lại báo được về quê. Như trút được gánh nặng, mừng kinh khủng. Về đến sân bay Vinh, tôi cùng đoàn được đưa đi cách ly tập trung tại một khách sạn ở thị xã Cửa Lò. Sau khi hết thời gian cách ly 14 ngày, tôi được xe chở về quê nhà ở xã Tam Quang và tiếp tục thực hiện cách ly”, anh Bình tâm sự.

Về cùng đợt với anh Bình, anh Moong Văn Môn (SN 1990) cho biết, anh vào TPHCM làm phụ hồ từ đầu năm. Dịch tứ phía, hai vợ chồng anh lâm vào cảnh mất việc. Giữa bộn bề lo toan, thiếu thốn, anh bèn đăng ký về quê. “Khi dịch bùng phát, hai vợ chồng khó khăn lắm. Trước khi Sài Gòn thực hiện giãn cách, tôi có đi mua lương thực về dự trữ. Tuy nhiên, do đồng tiền eo hẹp nên chỉ mua được ít gạo, trứng, mỳ tôm, cả nhà dùng được vài ngày là hết. Được trở về quê lần này, tôi thật sự rất vui mừng”, anh Môn chia sẻ.

Dù rất vui khi may mắn được trở về quê trong những ngày đại dịch hoành hành, nhưng với những lao động này, vẫn luôn thường trực một nỗi lo tìm kiếm một công việc chân tay khi mà nương rẫy không có. Họ không biết rồi mai đây, khi hết thời gian cách ly, trở về với cuộc sống bình thường sẽ làm gì để không phải sống bám bố mẹ, khỏi đôn đáo tìm kiếm miếng cơm manh áo, vật vã mưu sinh...”.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.