Mô hình điểm tại trường tiểu học và THCS Gia Bắc
Từ cuối năm 2022, Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng quyết định chọn trường Tiểu học và THCS Gia Bắc là mô hình điểm “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. CLB có 30 thành viên gồm các học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) từ lớp 6 đến lớp 9.
Với sự hướng dẫn tích cực của cô giáo Jơ Nơr Long Nhung, dẫn trình viên CLB, 30 học sinh đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Giữ vai trò Chủ nhiệm CLB, Ka Jên đã học được nhiều kỹ năng sống, cũng như cách làm việc và sinh hoạt theo nhóm. Từ đó Ka Jên và 29 học sinh khác của CLB trở nên mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, có kỹ năng hoạt động tập thể, cùng nhau nghĩ ra những cách làm có tính sáng tạo.
“Chúng em được trang bị các kiến thức về bình đẳng giới, quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống tệ nạn xã hội... Em sẽ cố gắng cùng các thành viên khác trong CLB tích cực tuyên truyền cho người thân và bạn bè chấp hành tốt các quy định của pháp luật, bài trừ các hủ tục”, Ka Jên tâm huyết.
Trong các các buổi ra chơi, CLB có bài tuyên truyền trên loa truyền thanh của trường về quyền trẻ em, bình đẳng giới, phòng tránh bạo lực học đường, phòng chống tảo hôn...
Vào các buổi sinh hoạt Đội, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục; trang bị cho các đội viên kỹ năng giao tiếp ứng xử trên không gian mạng thông qua các trò chơi, thảo luận nhóm, vẽ tranh, đóng kịch.
Các thành viên CLB còn tuyên truyền cho người thân và cộng đồng về các kiến thức trên, qua đó tạo sự thay đổi về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, định kiến về giới…
15 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”
Từ mô hình điểm ở Trường Tiểu học và THCS Gia Bắc, Hội phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã nhân rộng ra 15 trường học thuộc các xã đặc biệt khó khăn của 7 huyện, bao gồm Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lâm.
Theo bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, mô hình “Thủ lĩnh của sự thay đổi” nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.
CLB thành lập sớm nhất đến nay chưa tròn năm và muộn nhất mới vài tháng. Tuy thời gian hoạt động chưa nhiều nhưng thành viên các CLB được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích. Từ đó, các em thay đổi cách tư duy, phương pháp học tập và nỗ lực tuyên truyền bình đẳng giới, góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu còn tồn tại trong cộng đồng người DTTS.
Các CLB đã trở thành những sân chơi, diễn đàn dành cho học sinh các trường học vùng đặc biệt khó khăn. Thông qua CLB, các em được giao lưu, chia sẻ, nâng cao nhận thức; tham gia các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi… Không những được nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, các em sẽ tự tin, bản lĩnh hơn trong học tập và cuộc sống.
Dạy cồng chiêng cho sơn nữ ở Di LInh |
Lâm Hà là 1 trong 7 huyện ở Lâm Đồng triển khai mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đến nay đã thành lập được 3 CLB, đi vào hoạt động ổn định. CLB ở 2 ngôi trường tại các xã Phú Sơn và Đạ Đờn với đa số các thành viên là người K’Ho (dân tộc bản địa Tây Nguyên), còn CLB ở Trường THCS Lê Văn Tám (xã Tân Thanh) có hàng chục thành viên là học sinh người Tày, Nùng, đến từ các tỉnh phía Bắc nước ta.
Bà Nguyễn Thị Thùy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Hà cho hay, mục đích xây dựng các CLB là đẩy mạnh công tác tuyên truyền bình đẳng giới, để thay đổi nhận thức, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, trẻ em; xóa dần sự bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với giới nữ vùng DTTS; loại bỏ những thói quen, hủ tục lạc hậu.
Thông qua hoạt động của mô hình nhằm hỗ trợ chính quyền và các ban, ngành địa phương, nhà trường và cha mẹ học sinh thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến trẻ; đặc biệt là quan tâm đến quyền được đến trường của học sinh nữ; từng bước phòng ngừa và ứng phó với tình trạng trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình…
Các CLB còn tổ chức giao lưu tìm hiểu những kiến thức chăm sóc sức khỏe độ tuổi vị thành niên và một số luật liên quan đến quyền của trẻ em.