Học sinh Trường Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông sinh hoạt dưới cờ |
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lâm Đồng cho biết, 5 năm qua, nhiều ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, xóa bỏ định kiến giới.
Đồng thời, các ban ngành chú trọng giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ vị thành niên; giáo dục tư vấn tiền hôn nhân đến nữ thanh niên trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc; tuyên truyền một số kỹ năng tư vấn phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, kỹ năng hòa giải bạo lực…
Về phía Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, bà Ka Dis (chuyên viên của ban) cho biết, năm 2023, có 6 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú được chọn tiếp tục duy trì triển khai thực hiện mô hình điểm “nam nữ bình đẳng, không bạo lực học đường”, bao gồm THPT tỉnh, THCS&THPT Liên huyện phía Nam, THCS Đức Trọng, THCS Di Linh, THCS Bảo Lâm và THCS Đam Rông.
Trường THCS-THPT liên huyện phía Nam tổ chức các buổi tuyên truyền dưới cờ với hình thức thuyết trình, sân khấu hóa nhằm lồng ghép giáo dục pháp luật với các chủ đề phù hợp, trong đó chú trọng vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực học đường.
Trường tổ chức cuộc thi về bình đẳng giới với các phần thi như kiến thức, hùng biện và tiểu phẩm. Nhiều học sinh bày tỏ đặc biệt hào hứng với các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật theo hình thức sân khấu hóa vì rất gần gũi, sinh động. Sau khi tham gia các hoạt động này, các em hiểu rõ hơn quy định của pháp luật, nhất là về bình đẳng giới…
Đối với Trường Dân tộc nội trú - THCS huyện Di Linh, không chỉ làm tốt công tác giảng dạy, các giáo viên luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư của học sinh; nỗ lực tạo nên bầu không khí dân chủ, thân thiện, cởi mở để các em mạnh dạn tự tin bày tỏ những tâm tư, khúc mắc, từ đó hóa giải nhiều mâu thuẫn, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
Không chỉ với 6 ngôi trường trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng chỉ đạo các trường khác thường xuyên phổ biến thông tin và kiến thức về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới, bạo lực giới trong chương trình môn học, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Đồng thời, các trường mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin truyền thông về sức khỏe tình dục, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho hơn 5.000 học sinh, sinh viên…
Ngành Y tế triển khai tư vấn lồng ghép nội dung về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại các Trường THPT, nêu thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh; các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi…
Tỉnh Đoàn tuyên truyền một số kỹ năng tư vấn phòng chống bạo lực gia đình và học đường, kỹ năng hòa giải bạo lực gia đình; phát hành 6.000 tờ gấp, 1.000 quyển sách tuyên truyền nội dung cơ bản của Luật bình đẳng giới và Luật phòng chống bạo lực gia đình cho đoàn viên thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tổ chức cuộc thi hùng biện trực tuyến cho đoàn viên thanh niên về bình đẳng giới.
Đoàn thanh niên tuyên truyền, phổ biến về pháp luật |
Chị Lê Thị Đào Loan, Bí thư Huyện đoàn Di Linh cho hay, các tổ chức Đoàn - Hội ở các trường chú trọng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.
Đoàn – Hội luôn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, dần hình thành ý thức, thói quen “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đoàn thanh niên còn phối hợp vận động trẻ em gái đi học, thực hiện phổ cập giáo dục chống mù chữ; tư vấn và vận động nữ sinh THCS và THPT sớm chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu phát triển thị trường lao động.
Nhờ vậy, tỷ lệ đến trường trong độ tuổi của trẻ em gái vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở cấp mầm non, tiểu học và THCS đạt 95% trở lên. Tình trạng bạo lực học đường, nhất là nạn học sinh nữ bị ngược đãi giảm đáng kể.