Nhà thờ Mằng Lăng cổ kính |
Nhà thờ được linh mục Joseph de La Cassagne khởi công xây dựng vào năm 1892 tại huyện Tuy An (Phú Yên), nhưng phải 15 năm sau mới hoàn thành. Linh mục Joseph de La Cassagne là vị Chánh xứ đầu tiên của giáo xứ này.
Qua khỏi cổng nhà thờ Mằng Lăng, ai nấy choáng ngợp với mặt tiền bề thế của nhà thờ với hai lầu chuông đặt hai bên, chính giữa là thập tự giá vươn mình trên nền trời xanh thẳm; toàn bộ được sơn màu xanh xám, hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên xung quanh tạo nên nét cổ kính và trang trọng.
Gam màu xám là chủ đạo |
Khuôn viên nhà thờ khá rộng (5.000m2) với những hàng cây sa kê to lớn tỏa bóng mát rượi giữa miền đất nhiệt đới.
Dấu ấn kiến trúc Gothic của nhà thờ là những lối mở thông ra hai bên gian chính giữa thánh đường và các cửa sổ hình búp măng với nhiều hoa văn trang trí độc đáo; là các họa tiết chạm trổ tinh xảo trên những cánh cửa, mái vòm, trần nhà...
Nơi hành lễ |
Nét đặc biệt nữa của nhà thờ là hang thánh đường phía dưới một ngọn đồi giả, được xây dựng công phu, nơi có nhiều hình ảnh chạm trổ về thánh Anre Phú Yên và lưu giữ cuốn sách in bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Sách được bảo quản trong một hộp kính. Đó là cuốn giáo lý “Phép giảng tám ngày” của linh mục Alexandre de Rhodes, người khai sinh ra chữ quốc ngữ Việt Nam.
Cuốn sách in bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam |
Du khách tham quan hang thánh đường |
Cuốn giáo lý dày 319 trang, được in song ngữ bằng tiếng Latin (bên trái) và chữ quốc ngữ sơ khai (bên phải). Đây là một tác phẩm văn xuôi, phản ánh văn ngữ và ghi lại cách phát âm của tiếng Việt vào thế kỷ 17. Cuốn sách này in tại Roma năm 1651, được Tòa thánh Vatican cho phép phát hành.
Linh mục Alexandre de Rhodes (người Pháp, sinh năm 1591 và mất năm 1660) là một nhà truyền giáo dòng Tên và là một nhà ngôn ngữ học. Nhờ vào việc phổ biến Kitô giáo tại Việt Nam, ông đã hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam bằng cách hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Cũng chính những dòng chữ này được phổ biến rộng rãi, được cải tiến nhiều để đến hôm nay trở thành chữ quốc ngữ chính thức của Việt Nam.
Về vị thánh Anre Phú Yên, theo chức sắc công giáo ở địa phương, đến nay vẫn chưa rõ tên thật của ông; chỉ biết ông sinh tại Phú Yên vào năm 1625, mất năm 1644, khi mới 19 tuổi.
Thi hài của Anrê Phú Yên được linh mục Alexandre de Rhodes mang đến Macao, và được an táng tại nhà thờ Thánh Phaolô ở đó. Anre Phú Yên được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên chân phước vào ngày 5/3/2000.
Tác phẩm nghệ thuật tưởng niệm thánh Anre Phú Yên |