Nhà thờ, chùa đánh chuông tưởng niệm người mất do COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Nhà thờ, chùa đánh chuông tưởng niệm người mất do COVID-19
TPO - Các nhà thờ, nhà chùa sẽ đánh chuông, tàu thuyền kéo còi. Hoa đăng sẽ được thả trên sông khi lễ tưởng niệm người mất do COVID-19 diễn ra lúc 19h30 ngày 19/11 tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM).

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan vừa ký ban hành kế hoạch tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong COVID-19.

Theo đó, lễ tưởng niệm sẽ do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức nhằm thể hiện nỗi buồn, sự chia sẻ mất mát, đau thương với các gia đình đã không may mất người thân trong đại dịch toàn cầu.

Nhà thờ, chùa đánh chuông tưởng niệm người mất do COVID-19 ảnh 1

Kế hoạch tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sỹ không may qua đời vì COVID-19

Cụ thể, tại Hội trường Thống Nhất sẽ có khoảng 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo TPHCM và các tỉnh thành vùng trọng điểm phía Nam. Buổi lễ cũng có sự tham dự của một số thân nhân, gia đình người mất do COVID-19.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 12/11 là khoảng 23 nghìn người (chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm), trong đó riêng TPHCM ghi nhận hơn 17 nghìn trường hợp tử vong. Số ca tử vong chủ yếu diễn ra trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, trong đó căng thẳng nhất từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9 vừa qua

UBND các quận huyện tùy theo diễn biến dịch tại địa phương chủ động chọn địa điểm và tổ chức.

Các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tùy theo tình hình thực tế tổ chức lễ phù hợp và cùng đánh chuông tưởng niệm.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức sẽ trình chiếu một số hình ảnh phóng sự của TPHCM trong cuộc chiến với đại dịch và diễn ra các nghi thức tưởng niệm.

UBND TPHCM yêu cầu Sở Giao thông Vận tải thông tin đến các tàu, thuyền, sà lan... đang neo đậu tại các cụm cảng đồng loạt kéo còi tại thời điểm diễn ra lễ tưởng niệm.

Các cơ quan báo chí thành phố (báo in, điện tử) sẽ dành trang nhất thiết kế màu trắng, đen và thông tin để người dân cùng tham gia nghi thức tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sỹ không may qua đời vì COVID-19.

Trao đổi với báo chí sáng 12/11, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố là tâm dịch, chịu ảnh hưởng và thiệt hại nhiều nhất. Vừa qua, TPHCM đã báo cáo và được Trung ương chủ trương giao cho Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp cùng với TPHCM tổ chức lễ tưởng niệm này như là một lễ tưởng niệm cấp quốc gia, mà địa điểm là tại TPHCM và có thể nối điểm cầu với các địa phương khác.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, lễ tưởng niệm nhằm tưởng nhớ những người đã không may mất vì COVID-19, đồng thời chia sẻ nỗi đau, mất mát với những gia đình có người thân mất vì dịch và với đồng bào vừa trải qua một trận đại dịch rất lớn.

“Buổi lễ làm ấm lòng người đi, chia sớt phần nào nỗi đau với người ở lại. Lễ tưởng niệm nhắc nhở chúng ta chuyện thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhắc nhở những gì mà chúng ta đã trải qua từ trận đại dịch vừa qua để có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm đối diện với những hoàn cảnh như vậy trong thời gian tới. Từ đó, làm sao giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại”, ông Mãi chia sẻ.

Ông Phan Văn Mãi cho biết ngoài điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất, các quận, huyện cũng tổ chức lễ tưởng niệm, diễn ra những hoạt động phù hợp. Từng địa điểm sẽ có những hoạt động riêng. Nghi thức tưởng niệm có thể là thắp đèn, thắp nến, thả hoa đăng, thắp hoa, rung chuông ở nhà thờ hay kéo những hồi còi ở bến cảng…

Nhà thờ, chùa đánh chuông tưởng niệm người mất do COVID-19 ảnh 2

Nghi thức thả hoa đăng sẽ diễn ra vào đêm 19/11 để tưởng nhớ các nạn nhân qua đời trong đại dịch thế kỷ

“Tổ chức ở Hội trường Thống Nhất thì không thả được hoa đăng. Do đó, nghi thức này quận 8, quận 7, huyện Nhà Bè, quận Bình Thạnh sẽ thực hiện. TPHCM đang rất khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về hậu cần, kỹ thuật, nội dung cho lễ tưởng niệm được tổ chức trang trọng, chu đáo, phù hợp với tính chất, ý nghĩa”, ông Mãi khẳng định.

Tại phiên làm việc Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội hôm 11/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có chủ trương tổ chức lễ tưởng niệm. Buổi lễ sẽ tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối với các tỉnh, thành phố.

"Một số đại biểu đã quan tâm đề xuất. Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TPHCM, các địa phương tổ chức tốt lễ tưởng niệm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

TPO - Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) ký ban hành với mục đích đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, đồng thời bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn.
Điểm cầu tỉnh Cao bằng tham gia họp trực tuyến.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn

TPO - Sáng 23/11, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của 2 tỉnh trong quá trình thực hiện.