Bí thư Nguyễn Văn Nên tri ân các lực lượng hỗ trợ TPHCM chống dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên
TPO - Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên, tình hình dịch bệnh ở nhiều nước đang diễn biến phức tạp; biến chủng Delta đang biến đổi hết sức khó lường, buộc TPHCM phải thận trọng bởi nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn ở phía trước.

Chiều 1/11, tại hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã biểu dương và gửi lời tri ân đến các lực lượng đã tham gia, hỗ trợ TPHCM phòng chống dịch COVID-19 trong 4 tháng cao điểm vừa qua.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết, trong đợt cao điểm vừa qua đã có gần 190.000 người tham gia chống dịch, trong đó có hơn 29.000 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, nhân viên y tế, tình nguyện viên, thanh niên xung kích.

“Chúng ta đã từng chịu khó thắt lưng buộc bụng, đồng cam cộng khổ, rất cần những ngày được hoạt động bình thường nhưng tình hình hiện nay buộc thành phố phải hành động thận trọng, chặt chẽ, không thể chủ quan bởi vì nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn ở phía trước” - Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên.

Bộ Tư lệnh TPHCM đã huy động hơn 36.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ cùng nhiều thiết bị, phương tiện, vật chất tham gia phòng chống dịch. Nhiều tổ, nhóm, cá nhân âm thầm đến từng ngõ hẻm hỗ trợ người khó khăn. Nhiều tín đồ tôn giáo đã xung phong ra tuyến đầu chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân.

"Sự đóng góp của các lực lượng, trong đó có lực lượng vũ trang là rất đáng trân trọng và không thể kể xiết. Lúc đó, mọi người hành động bằng mệnh lệnh của trái tim”, ông Nên nhận xét.

Bí thư Thành uỷ TPHCM cũng chia sẻ, có những thời điểm thành phố không thể làm tròn trách nhiệm do số lượng người cần hỗ trợ quá đông, nhu cầu quá lớn. Và, trong tình hình đó, người dân thành phố đã thấu hiểu, cảm thông.

“Trong khó khăn, gian khổ, lực lượng vũ trang đã tích cực, chủ động và có nhiều sáng kiến, sáng tạo. Nhiều cán bộ, chiến sĩ bị lây nhiễm nhưng ngay sau khi khỏi bệnh tiếp tục quay lại chiến đấu. Có những lúc ngặt nghèo và nằm ngoài dự kiến nhưng Bộ Tư lệnh TPHCM luôn sẵn sàng nhận và thực hiện tốt nhiệm vụ phát sinh như việc tiếp nhận, lưu giữ và bàn giao tro cốt người mất vì COVID-19 cho các gia đình”, ông Nên nhận xét.

Bí thư Nguyễn Văn Nên tri ân các lực lượng hỗ trợ TPHCM chống dịch COVID-19 ảnh 1

Lực lượng quân đội bàn giao tro cốt bệnh nhân qua đời vì COVID-19 cho các gia đình

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học chưa thể dự báo khi nào dịch bệnh COVID-19 kết thúc. Tình hình dịch ở nhiều nước đang diễn biến phức tạp. Biến chủng Delta đang biến đổi khó lường. Tình hình trên buộc TPHCM trong quá trình triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ phải thực hiện từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn.

“Chúng ta đã từng chịu khó thắt lưng buộc bụng, đồng cam cộng khổ, rất cần những ngày được hoạt động bình thường nhưng tình hình hiện nay buộc thành phố phải hành động thận trọng, chặt chẽ, không thể chủ quan bởi vì nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn ở phía trước”, ông Nên nói.

Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho biết, theo Nghị quyết 128, dịch bệnh ở TPHCM đang là cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Cấp độ dịch có thể thay đổi nếu thành phố không kiểm soát tốt. Theo ông, nếu người dân không thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, không thay đổi thói quen trước kia thì công tác chống dịch sẽ vô cùng khó khăn.

Nếu người dân có ý thức cảnh giác cao thì thành phố có thể hành động đúng chiến lược đề ra. Ngược lại, nếu làm không tốt thì sẽ "không lường trước được" điều gì xảy ra.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đề nghị Bộ Tư lệnh TPHCM tiếp tục là lực lượng nòng cốt đến từng phường, xã; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân. Ông đề nghị lực lượng quân sự tại TPHCM chuẩn bị kỹ các kịch bản, cơ chế vận hành để ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ…

Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị Bộ Tư lệnh tiếp tục phối hợp với Sở Y tế TPHCM và các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, lập danh sách những người không may mất vì dịch COVID-19, không để sót bất kỳ trường hợp nào.

“Đưa hài cốt đến cho các thân nhân còn là sự thấu cảm, sẻ chia của thành phố đến từng gia đình không may có người mất vì dịch bệnh COVID-19”, ông Nên nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh TPHCM, trong đợt dịch lần thứ tư vừa qua, Bộ Tư lệnh đã phối hợp với Sở Y tế TPHCM và các cơ quan chức năng tham mưu thiết lập và phục vụ tại 101 bệnh viện điều trị COVID-19 với quy mô 61.093 giường.

Bí thư Nguyễn Văn Nên tri ân các lực lượng hỗ trợ TPHCM chống dịch COVID-19 ảnh 2

Lực lượng quân sự đi chợ hộ cho người dân trong những ngày TPHCM "ai ở đâu, ở yên đó"

Bộ Tư lệnh TPHCM đã huy động 36.200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân (trong đó có 1.200 cán bộ) tham gia phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, điểm phong tỏa và các chốt kiểm soát dịch.

Cùng đó, Bộ Tư lệnh thiết lập bốn khu vực tiếp nhận thi hài nạn nhân tử vong do COVID-19, lập 4 đại đội, 12 trung đội và 12 tiểu đội trang bị công cụ hỗ trợ, vật chất sẵn sàng xử lý tình huống gây mất an ninh trật tự, an toàn các khu cách ly, bệnh viện điều trị.

Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM, hiện nay, một số gia đình chưa tìm được người thân. Nhiều người đã mất chưa được bàn giao tro cốt đến cho người thân và gia đình. Việc này TPHCM cần thực hiện sớm và chu đáo, góp phần xoa dịu nỗi đau cho các gia đình nạn nhân.

Bộ Tư lệnh TPHCM đã phối hợp với công an và các lực lượng thiết lập 263 chốt trên địa bàn TPHCM, 310 tổ tuần tra nhằm kiểm soát dịch và giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn… Bộ Tư lệnh TPHCM cũng đã đưa 1.495 người cách ly trở về địa phương và kịp thời tổ chức đưa người dân đang tạm trú, sinh sống trên địa bàn TPHCM về quê .

Bộ Tư lệnh TPHCM cũng tổ chức tiếp nhận, cấp phát trên 1.93 triệu túi an sinh, trên 283.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà, các đơn vị đã hỗ trợ bốc xếp, tiếp nhận trên 15.636 tấn lương thực thực phẩm, cấp phát trên 2.047.230 túi an sinh, hỗ trợ giao trên 277.140 đơn hàng.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết chiều 1/11, UBND TPHCM đã tổ chức họp với các cơ quan chức năng để xem xét kế hoạch mở lại một số hoạt động. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là "mở dần" nhưng mà phải căn cứ tình hình thực tế. Đơn cử như việc cho phép thí điểm mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ có sử dụng rượu bia tại quận 7 và TP Thủ Đức. Nếu kết quả tốt thì có thể cho phép các quận huyện khác. Tuy nhiên, chính quyền nhiều địa phương còn ngần ngại với loại hình dịch vụ này do tiềm ẩn nhiều nguy cơ, người dân có biểu hiện dè dặt hơn…

MỚI - NÓNG