Nguyện cầu cho từng chuyến biển của chồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chị Nguyễn Thị Quý là tín đồ đạo Cao Đài ở Thánh thất Trung Thiện (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Chồng của chị là ngư dân Tu Thanh Sơn, một Phật tử thường có mặt trên những con tàu đi đánh bắt ở vùng biển nóng.

Những người vợ của ngư dân thường ngóng ra biển mỗi khi con tàu đi khơi, nhất là thời điểm rộ lên thông tin dự báo có áp thấp nhiệt đới, hoặc bão xuất hiện trên biển Đông. Nhưng, đối với chị Quý, nỗi lo lắng xen lẫn hình ảnh người chồng từng trở về từ Hoàng Sa với đôi chân tật nguyền vẫn mãi ám ảnh. Năm 2006, trong chuyến đi đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa trên tàu cá của ông Tiêu Viết Là ở quần đảo Hoàng Sa, con tàu anh đi bạn đã bị tàu tuần tra Trung Quốc rượt đuổi và nã đạn khiến 6 ngư dân bị thương. Anh và các ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giam suốt mấy tháng trời.

Nguyện cầu cho từng chuyến biển của chồng ảnh 1
Vợ chồng ngư dân Tu Thanh Sơn. Ảnh: Văn Chương

Chị Quý là tín đồ đạo Cao Đài, còn anh Sơn là Phật tử. Ngày đó, khi anh gặp nạn ngoài khơi chưa trở về, những người trong họ đạo đã khấn niệm cho anh qua khỏi cơn hoạn nạn. Khi ấy vợ chồng anh chị mới cưới nhau 1 năm, và chị đang mang thai đứa con đầu lòng. Mấy tháng sau anh được thả về qua cửa khẩu Lạng Sơn. “Vậy mà sau đó anh lại tiếp tục ra Hoàng Sa, hỏi bị bắn mà không sợ sao, anh nói sợ gì, biển của Việt Nam thì ra đó đánh cá thôi”, chị Quý kể.

Ngư dân Tu Thanh Sơn kể rằng, năm 19 tuổi đã đi làm nghề lặn cá, mới đầu đi lặn gần bờ, sau đó là theo ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn đi xuôi ngược Hoàng Sa, Trường Sa, đi dọc các đảo ở gần bờ, rồi ra vùng biển phía Bắc.

Anh kể tại đảo Bạch Long Vĩ, tàu cá bấm điểm độ sâu 60-65 mét và thả thợ lặn. Những ngư dân đi biển thường chỉ lặn ở độ sâu 5-7 mét, thợ lặn trung bình là khoảng dưới 20 mét, nhưng lặn ở độ sâu từ 50 mét trở lên thì đó là những ngư dân thuộc hàng rái cá. Anh Sơn là người lặn sâu tới 62 mét. Do lặn quá sâu nên đối mặt với rủi ro. Trong một chuyến biển vào năm 2008, anh Sơn kéo giỏ cá trồi lên sàn tàu một lúc thì toàn thân đau nhức vì triệu chứng ban đầu của tê bại. Vậy là anh em trên tàu lại phải xúm vào cấp cứu. “Lúc gặp tình huống nguy hiểm đó, em đều khấn nguyện Phật bà Quan Âm phù hộ và may mắn là cũng qua khỏi”, anh Sơn kể về đức tin của mình như vậy.

Nguyện cầu cho từng chuyến biển của chồng ảnh 2
Nghề lặn đêm ở quần đảo Hoàng Sa của ngư dân Quảng Ngãi. Ảnh Văn Chương

Bình Hải là làng đạo lớn nhất nằm ven biển của tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó có 1.410 tín đồ đạo Công giáo, 651 tín đồ đạo Tin Lành, 547 tín đồ đạo Cao Đài, và nhiều nhất là đạo Phật với 1.826 tín đồ. Đa số bà con theo đạo tập trung tại làng chài Phước Thiện, sau đó là làng chài An Cường. Có rất nhiều cặp vợ chồng là người của hai tôn giáo khác nhau, như vợ chồng anh Sơn.

Từ cuối tháng 5, biển bắt đầu xuất hiện gió Tây Nam, một số tàu cá của ngư dân xã Bình Châu chuyển hướng, rời quần đảo Hoàng Sa vào Trường Sa đánh cá. Con tàu sẽ phải hành trình lên tới 5 ngày 5 đêm từ Quảng Ngãi thì mới ra tới các cụm đảo. Anh Sơn cho biết, vết thương do bị bắn trên biển từ năm 2006 giờ nhiều lúc còn nhói đau, nhưng anh vẫn không bỏ biển.

Tại làng chài Phước Thiện, nếu hai người khác đạo lấy nhau thì người vợ thường sẽ theo đạo mà chồng mình đang tín ngưỡng. Nhưng vợ chồng ngư dân Tu Thanh Sơn chia sẻ “ai tin gì thì theo nấy, đạo nào cũng hướng về làm lành”.

Đạo Phật có triết lý “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, giúp cho mỗi người thoát ra khỏi cái tôi ích kỷ, biết sống chia sẻ với mọi người và xa, rộng hơn là trách nhiệm với xã hội. Trong giáo lý của đạo Cao Đài chỉ ra “Ngũ chi”, là những nấc thang mà con người phải vượt qua. Sự kết hợp của triết lý đó giúp cho vợ chồng ngư dân Tu Thanh Sơn vượt qua khó khăn, vừa hoàn thành nghĩa vụ của một ngư dân bám biển Hoàng Sa để góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Thanh niên tín đồ tôn giáo mang Tết Trung thu đến với thiếu nhi

Thanh niên tín đồ tôn giáo mang Tết Trung thu đến với thiếu nhi

TPO - Tối 27/9, Tỉnh đoàn – Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và Câu lạc bộ Thanh niên Phật giáo thành phố Sa Đéc tổ chức chương trình “Vui Trung thu đón Trăng rằm” tại chùa Phước Hưng (thành phố Sa Đéc) cho gần 600 thiếu nhi, đoàn viên, thanh niên và người dân.