Ngôi thánh đường của sự hội nhập văn hoá. Ảnh: Đức Hoàng

Cận cảnh thánh đường gỗ Kon Tum, có một không hai trên thế giới

TPO - Đến với TP Kon Tum, từ xa du khách sẽ thấp thoáng thấy tháp chuông Nhà thờ gỗ Kon Tum hiện ra trong sương khói toạ lạc trên “nóc nhà Đông Dương”. Trải qua bao thiên biến lịch sử, Nhà thờ gỗ Kon Tum trở thành kiệt tác bởi kiến trúc gỗ mang phong cách Basilica còn tồn tại duy nhất trên thế giới.

Ngôi thánh đường của sự hội nhập văn hoá

Là công trình kiến trúc Công giáo vô cùng độc đáo với hơn 100 năm lịch sử, Nhà thờ gỗ Kon Tum còn được coi là nhà thờ đẹp nhất Tây Nguyên. Đây cũng được coi là biểu tượng của Kon Tum, là điểm du lịch không thể bỏ qua với du khách khi đến với vùng đất đại ngàn này.

Cận cảnh thánh đường gỗ Kon Tum, có một không hai trên thế giới ảnh 1

Toàn cành nhà thờ Kon Tum. Ảnh: Đức Hoàng

Chia sẻ với Tiền Phong, linh mục Tadeus Võ Xuân Sơn, phụ trách truyền thông Giáo phận Kon Tum cho biết, Nhà thờ Kon Tum (Chính tòa hiện nay), được linh mục Độ (Décrouille - người Pháp) khởi công xây dựng ngày 7/4/1913 và khánh thành ngày 6/1/1918. Kế hoạch, vật liệu xây dựng nhà thờ được chuẩn bị trong 3 năm, từ cuối năm 1910 đến đầu năm 1913. Thời điểm đó, Giám mục Constant Jeanningros (Vị), Giám mục phó Giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) lên thăm mục vụ đã làm phép khu đất và khởi công xây dựng nhà thờ.

Cận cảnh thánh đường gỗ Kon Tum, có một không hai trên thế giới ảnh 2

Mặt trước của Nhà thờ gỗ Kon Tum. Ảnh: Đức Hoàng.

Nhà thờ Kon Tum được thiết kế với chiều dài 47m, rộng 15m, cao 12m, với 2 cánh hai bên, mỗi bên dài 8m, tháp chuông cao 24m. Sảnh nhà thờ cách mặt đất 0,8m. Kiến trúc với mái dốc 2 tầng, lợp ngói vảy, chân cột gỗ lớn. Nội thất, cột, hoa văn, vòng cung trên mũi kiểu Gô-tích. Nhà thờ toạ lạc trên tổng diện tích là 703,8 m2.

Công trình nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít và các bức tường, vách được làm bằng đất trộn rơm. Phía trong nhà thờ có nhiều hàng cột nhỏ được liên kết với nhau bằng các vòng cung gỗ tạo thành hình vòm đỡ các cửa sổ phía trên như ôm trọn những ai vào giữa lòng nhà thờ. Bên trong thánh đường có nhiều khung cửa kính màu vẽ lại các điển tích trong kinh thánh, những khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng tự nhiên, vừa tạo thêm vẻ rực rỡ tráng lệ cho ngôi thánh đường.

Cận cảnh thánh đường gỗ Kon Tum, có một không hai trên thế giới ảnh 3

Phía trong nhà thờ được lấy ánh sáng tự nhiên với các bức hoạ dựa theo Kinh Thánh. Ảnh: Đức Hoàng.

Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu nhưng chính những hoa văn với những đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng đã thể hiện được cái khí chất của đồng bào bản địa Tây Nguyên.

Những vòng cung vươn lên như những đôi tay chấp lại, biểu lộ tâm hồn tín hữu vùng cao cùng với lời kinh tiếng hát, và với tâm tình yêu mến dâng lên Thiên Chúa. Cung thánh do linh mục Martial Jannin (Phước) thiết kế với bàn thờ, nhà tạm bằng gỗ quý được chạm khắc tinh xảo. Tất cả tạo cho ta cảm giác như đang ở trong một cung điện uy nghiêm. Bầu khí bên trong với vẻ trầm mặc hợp với khung cảnh trang nghiêm, huyền nhiệm.

Theo linh mục Tadeus, năm 1932, Tòa Thánh thiết lập Giáo phận Tông tòa Kon Tum tách khỏi Giáo phận Qui Nhơn, Nhà thờ Kontum trở thành Nhà thờ Chính tòa của Giáo phận Kon Tum

Năm 1994, nhà thờ xuống cấp trầm trọng, cố Giám mục Alexis Phạm Văn Lộc đã cho tu sửa nhà thờ, chỉnh trang mặt tiền, dựng Thánh giá mới lên tháp.

Cận cảnh thánh đường gỗ Kon Tum, có một không hai trên thế giới ảnh 4

Cánh gà của nhà thờ được thiết kế khá độc đáo. Ảnh: Đức Hoàng.

Năm 1995, Giám mục Peter Trần Thanh Chung cùng linh mục Nguyễn Thanh Liên tiếp tục đại tu phần còn lại, đồng thời nới rộng hai bên hành lang và mở rộng thêm 525m2, nâng tổng diện tích nhà thờ từ 703,8m2 thành 1.228,8m2.

Năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng Nhà thờ (1913-2013), được sự ủy nhiệm của Giám mục Michael Hoàng Đức Oanh, linh mục Chính tòa Paul Nguyễn Đức Hữu đã chỉ đạo công tác tu sửa nhà thờ từ giữa năm 2012, linh mục Tadeus nói.

Biểu tượng của Kon Tum

Cận cảnh thánh đường gỗ Kon Tum, có một không hai trên thế giới ảnh 5

Khu vực cung thánh. Ảnh: Đức Hoàng.

Không chỉ được thiết kế theo kiến trúc Roman, điểm độc đáo của nhà thờ ở chỗ phối hợp hài hoà kiểu nhà sàn của người Ba Na nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng người dân cao nguyên từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu.

Linh mục Tadeus cho hay, “Nhà thờ gỗ Kon Tum được dựng lên hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân người Kinh từ Bình Định, Quảng Nam và cả từ miền Bắc đã làm nên điều kỳ diệu đó. Trải qua bao biến thiên lịch sử, Nhà thờ gỗ Kon Tum trở thành một kiệt tác bởi kiến trúc gỗ mang phong cách Basilica còn tồn tại duy nhất trên thế giới”

Gần một thế kỷ phơi mình dưới cái nắng, cái gió Tây Nguyên ngôi thánh đường vẫn vững chãi qua thời gian và là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của TP Kon Tum. Du khách có thể đến thăm nhà thờ gỗ Kon Tum vào bất cứ thời điểm nào trong năm.

Đáng chú ý, trong khuôn viên nhà thờ, bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa Hài Đồng được làm từ một thân gỗ nguyên sơ, tạc theo phong cách mộc mạc của các dân tộc Tây Nguyên.

Cận cảnh thánh đường gỗ Kon Tum, có một không hai trên thế giới ảnh 6

Khu vực nhà chung trong khuôn viên Nhà thờ Kon Tum.

Ngoài ra, khuôn viên Nhà thờ gỗ Kon Tum còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc để giáo dục, đào tạo và tạo việc làm cho nhiều mảnh đời không may. Khuôn viên nhà thờ luôn mở rộng cửa cho khách tham quan, uống rượu trái cây do các nữ tu chưng cất và nhìn ngắm những em gái người dân tộc ngồi dệt thổ cẩm cũng là kỷ niệm khó quên về thành phố này.

Tin liên quan