Quang cảnh hội thảo |
Lãnh đạo các sở GD&ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, đại diện cha mẹ học sinh người dân tộc thiểu số của 8 tỉnh đã tham dự hội thảo.
Tham dự hội thảo lần này gồm các đại biểu đến từ những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Bắc Kạn, Hà Giang, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng, Tiền Giang và Hậu Giang.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thảo, Vụ Giáo dục Mầm non, những năm gần đây, việc lồng ghép giới trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non nói riêng, giáo dục phổ thông nói chung và tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số đã được triển khai và thu được nhiều tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, việc chưa thống nhất, chuẩn hóa giáo trình tài liệu, sự thiếu chủ động của một số địa phương khiến cho chương trình chưa có được sự thay đổi như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình đào tạo nguồn nhân lực.
Do đó, những hội thảo với nội dung như trên sẽ được tổ chức thành nhiều đợt, ở nhiều vùng, địa phương khác nhau trong cả nước.
Mục đích của các cuộc hội thảo nhằm giúp Bộ GD&ĐT có được cái nhìn tổng quát, từ đó xây dựng tài liệu chuẩn dựa trên cơ sở thực tiễn, triển khai và thực hiện thành công dự án về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Một số chuyên gia của ngành cho rằng, giáo dục mầm non là môi trường giáo dục nhà trường đầu tiên, có vai trò quan trọng trong định hình nhân cách, nhận thức của trẻ em về vị trí, vai trò của mình trong mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Bởi thế, việc lồng ghép giới để đạt được mục tiêu bình đẳng giới ngay từ bậc học mầm non là nhu cầu thiết yếu, tạo điều kiện cho trẻ trai và trẻ gái phát triển năng lực cá nhân một cách công bằng.