Tham dự chương trình có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái; Chủ tịch UBND Bắc Giang Lê Ánh Dương; đại diện các cơ quan, ban ngành và đông đảo người dân địa phương.
Chùa Tứ Giáp thuộc xã Nhã Nam, tổng Nhã Nam, phân phủ Lạng Giang, nay thuộc thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Gọi là chùa Tứ Giáp vì trước đây, xã Nhã Nam còn 4 làng, mỗi làng là một giáp, gồm: Giáp Chuông, Giáp Nguộn, Giáp Thượng, Giáp Hạ.
Chùa Tứ Giáp được xây dựng từ thời Lê, nên hiệu Cảnh Hưng (khoảng năm 1771-1973), Triều Lê Hiển Tông. Chùa xây dựng có 7 gian khu tiền đường, trung đường 5 gian và thượng điện 3 gian, phật điện 3 gian. Ngoài ra, chùa còn có dãy nhà tổ, nhà khách và nhà trụ trì, tam quan, gác chuông…
Lãnh đạo Bộ Công an và tỉnh Bắc Giang cắt băng khánh thành tu bổ chùa Tứ Giáp |
Chùa Tứ Giáp không chỉ là danh lam, thắng tích mà còn là di tích kháng chiến chống tàn quân Thái Bình Thiên Quốc (1862), chống quân Pháp suốt thời kỳ Cần Vương và đặc biệt là khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913), do người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám lãnh đạo.
Tuy nhiên, phần lớn công trình tín ngưỡng, tôn giáo này đã bị thực dân Pháp phá hủy vào năm 1885. Đến năm 1886, người dân xã Nhã Nam và xã Dương Lâm, Lý Cốt đã góp công, góp của phục dựng lại hai ngôi chùa trên đất làng Nguộn. Chùa vẫn mang tên chùa Tứ Giáp để thể hiện tình đoàn kết và thành quả của người dân 4 làng Giáp Chuông, Giáp Nguộn, Giáp Thượng, Giáp Hạ cùng toàn tâm, nhất ý phục dựng lại ngôi chùa.
Chùa Tứ Giáp nơi ghi dấu "6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân" |
Cuối 1945 và đầu 1946, Công an Khu XII, gồm Công an các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Ninh, Quảng Yên (gồm cả Hòn Gai, Đông Triều, Chí Linh ngày nay) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động tại thôn Chùa Nguộn (nay là tổ dân phố Chùa Nguộn, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên), do đồng chí Hoàng Mai, Trưởng Công an khu XII chỉ huy hoạt động.
Từ khi đi vào hoạt động, Công an Khu XII đã bảo đảm tốt ANTT trị an, hướng dẫn nhân dân phòng mật, trừ gian. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Công an khu XII đã xuất bản báo Bạn Dân. Nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1948, đồng chí Hoàng Mai đã gửi thư và biếu Bác Hồ tờ báo Bạn Dân số Tết để xin ý kiến Bác về nội dung, hình thức của Báo.
Ngày 11/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Công an Khu XII. Đồng chí Hoàng Mai đã nhận và trực tiếp mở bức thư của Bác tại chính ngôi chùa Tứ Giáp, trong bức thư có nêu 6 điều dạy về tư cách người Công an cách mệnh. Và từ đó, chùa Tứ Giáp trở thành khởi nguồn “6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”.
Lãnh đạo Bộ Công an và tỉnh Bắc Giang thắp hương tại Lễ khánh thành tu bổ chùa Tứ Giáp |
Đến nay, do biến thiên của lịch sử, chiến tranh và thời gian, chùa Tứ Giáp đã bị xuống cấp nên UBND tỉnh Bắc Giang đã cho phép địa phương tu bổ, tôn tạo ngôi chùa và giao cho UBND thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên làm chủ đầu tư. Ngôi chùa được tu bổ trên diện tích 3.600m2 với kinh phí dự kiến khoảng 40 tỷ đồng.
Ngày 9/1/2021, UBND thị trấn Nhã Nam đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ động thổ tu bổ, tôn tạo chùa Tứ Giáp. Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang, Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc, các nhà hảo tâm, người dân địa phương đóng góp gần 23 tỷ đồng vào việc tu bổ, tôn tạo chùa Tứ Giác.
Đến nay, giai đoạn 1 của Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Tứ Giác đã cơ bản hoàn thành, với nhiều hạng mục như: Nhà Tổ, nhà Tam Bảo, nhà mẫu, nhà khách, cổng tam quan, các huông, nhà bếp, nhà hóa vàng, các công trình phụ và toàn bộ hệ thống tường, sân, vườn…
Hiện nay, Ban Quản lý xây dựng tu bổ, tôn tạo chùa Tứ Giáp đang tiến hành thi công giai đoạn 2, với các hạng mục: Vườn cây lưu niệm của Công an các đơn vị, địa phương; hồ điều hòa; vườn tháp; nhà giảng kinh; bãi đỗ xe, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.