Nguyên liệu là rác hữu cơ có sẵn
Tại buổi tập huấn, chị Trịnh Thị Hồng (người sáng tạo công thức biến rác thải hữu cơ thành chế phẩm sinh học) đã hướng dẫn sử dụng các nguyên liệu hữu cơ có sẵn ở địa phương như lục bình, phế phẩm rau củ quả để tạo ra chế phẩm sinh học có thể dùng làm nước rửa bát, tẩy quần áo, lau nhà…, gần như không tốn chi phí và an toàn cho sức khỏe.
Công thức cơ bản là 3kg rác thải thực vật kết hợp với 10 lít nước sạch và 300gram đường, ủ trong thùng nhựa đậy kín, sẽ cho ra 5 lít sản phẩm sinh học dùng để tẩy rửa. Các sản phẩm nước rửa bát, nước lau nhà, dầu gội, nước rửa tay… hoàn toàn được chế tạo với nguyên liệu từ 100% rác thải hữu cơ như rau, củ, quả, các loại thực vật chưa hư hỏng. Các loại nước này sau khi dùng còn tận dụng để tưới cây.
Quang cảnh buổi tập huấn. |
“Ban đầu người dân có thể làm sản phẩm để sử dụng trong gia đình rồi hướng đến cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất. Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, bên cạnh tính an toàn, sản phẩm cần được phối trộn với chất khác đảm bảo các tiêu chí như mùi thơm, độ tạo bọt, đậm đặc… nhưng vẫn an toàn cho sức khỏe khách hàng cũng như môi trường. Địa phương đã thành lập được HTX với hàng chục thành viên. Trong tương lai, HTX có thể tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con” – chị Hồng chia sẻ.
Nhận 3kg rác hữu cơ là cây lục bình, vỏ bưởi được làm sạch cùng bộ dụng cụ để về nhà ủ chế phẩm sinh học sau khi tập huấn, bà Thạch Thị Đầm - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thới Hòa 2, thị trấn Cờ Đỏ cho biết: Từ trước đến nay, các loại rau củ thừa ở nhà nhiều nhưng chỉ bỏ đi, bây giờ có thể tận dụng, vừa giảm chi phí lại được sử dụng chính sản phẩm do mình làm ra. Phụ phẩm sau khi ủ có thể tiếp tục trộn với các nguyên liệu khác làm phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng…
Tạo thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững
Bà Nguyễn Ngọc Thẩm - Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Đỏ chia sẻ, từng là Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, bà luôn trăn trở làm sao giúp hội viên, trong đó có hội viên phụ nữ Khmer thoát nghèo. Từ năm 2020, bà đã đứng ra thành lập HTX Làng nghề Cờ Đỏ với 38 thành viên, tham gia đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình…
Đến nay, bình quân mỗi thành viên HTX thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng, chị em có điều kiện tích cóp, sửa sang nhà cửa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với mô hình vừa được tập huấn, thời gian tới người dân sẽ có thêm điều kiện phát triển kinh tế, sinh kế, vừa đảm bảo môi trường, phù hợp triển khai trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối với bà con Khmer.
Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Viện FNF Việt Nam cho biết, nguyên nhân dẫn tới nghèo đa chiều phần nhiều xuất phát từ lý do thiếu sinh kế bền vững. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Cần Thơ, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố và Viện FNF Việt Nam trao đổi và đi đến thống nhất là năm 2023 và các năm tiếp theo tập trung hoàn thiện các mô hình sinh kế cho đồng bào khó khăn ở ĐBSCL, đặc biệt là đồng bào Khmer.
Theo ông Tiến, các mô hình sinh kế đưa ra phải phù hợp với đặc trưng, đặc điểm của từng vùng. Tuy nguồn lực có hạn nhưng nếu có sự phối kết hợp hiệu quả giữa các nhà khoa học, chuyên gia, người dân, chính quyền… thì sẽ tìm ra được những mô hình sinh kế phù hợp tại từng địa phương. Qua đó, hướng đến mục tiêu hàng năm giảm số hộ nghèo, cận nghèo bằng việc tạo ra nguồn thu nhập ổn định, bền vững…
Đồng bào Khmer ở ĐBSCL có khoảng 1,2 triệu người (chiếm 6,7% dân số toàn vùng), trong đó hộ nghèo chiếm hơn 23%. Mặc dù kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc Khmer đã có bước phát triển trong những năm qua, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay tích cực. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên đời sống đồng bào còn nhiều hạn chế; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa.