Bảy ngày một phiên, vào ngày Chủ nhật, phiên chợ bò Mèo Vạc (Hà Giang) lại mở. Kể từ khi có chủ trương hỗ trợ đồng bào “một bể nước, một mái nhà, một con bò”, phong trào nuôi bò đã góp phần làm thay đổi đáng kể cuộc sống của người vùng cao trên cao nguyên toàn đá và gió này. Phiên chợ bò độc đáo duy nhất này chỉ họp vào ngày chủ nhật trên khu đất ở giữa thị trấn, là điểm thu hút rất nhiều người từ khắp mọi nơi đổ về.
Trước đây, phiên chợ này là nơi đồng bào người Dao, Mông, Hoa, Cao Lan…trao đổi hàng hoá, thực phẩm. Sản phẩm được bày bán ở đây hầu hết là của “nhà trồng được”, vài ba thứ nhu yếu phẩm lặt vặt cho sinh hoạt gia đình. Họ đi chơi chợ như một nhu cầu, như một nét văn hoá, đi để giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, đi để được uống rượu và đi chỉ để đỡ nhớ chợ.
Có lẽ, nhờ đường hướng đổi mới, chợ phiên đã xoay chuyển theo sự vận động của nó. Chính biểu hiện sinh động của sự thay đổi ấy đã hình thành nên một phiên chợ độc đáo dành riêng cho việc buôn bán gia súc, mà mọi người quen gọi đó là: “Trung tâm thương mại bò”.
“Trung tâm thương mại bò” toạ lạc trên một khu đất rộng, ngay giữa thung lũng, vây xung quanh là bốn bề toàn núi đá tai mèo và vực sâu hun hút. Ẩn hiện trong làn mây mù là những nếp nhà, nhỏ như ngón tay út, đó nơi đồng bào người Mông sinh sống. Vì thế, mảnh đất bằng phẳng đã được chọn làm chợ này nhanh chóng trở thành khu trung tâm, rất thuận tiện để người dân trao đổi, mua bán với nhau.
Bò được đưa ra chợ bán |
Có một điều lạ, ở đây bán nhiều bò vô kể, bò là hàng hoá duy nhất của phiên chợ này. Chợ bò Mèo Vạc đã khiến nó nổi tiếng không chỉ ở trong vùng mà còn lan ra khắp cả nước, đặc biệt rất nhiều người dân ở bên kia biên giới cũng tìm đến chợ để mua bò.
Để đến được phiên chợ nhiều người ở xa phải đi bộ mất một, hai ngày đường. Thường thì họ xuống từ chiều hôm trước, nghỉ ngơi phố huyện một đêm để sáng sớm hôm sau còn chơi chợ. Tờ mờ sáng, những bộ trang phục đủ màu sặc sỡ, rộn ràng theo nhịp chân bước, hoà theo tiếng chuông, mõ trên cổ bò khua leng keng, lộc cộc từ khắp nơi đổ xuống thung lũng. Chỉ trong chớp mắt chợ đã đông.
Thường khi xuống chợ, bao giờ mỗi người đi cũng dắt theo một con bò đến bán lấy tiền, để mua những vật dụng cần thiết cho gia đình. Nên phiên chợ nào cũng vậy, có cả nghìn con bò được mua bán, trao đổi diễn ra tại đây. Sự độc đáo ở phiên chợ bò này là: Bò được dắt đến chợ bán, không có tiếng chào mời, ai muốn mua thì tự đến hỏi, người bán sẽ nói, sau đó ngã giá. Còn không, người bán cứ thế đứng dắt bò đến … khi tan chợ, thậm chí không ai hỏi là tại sao lại dắt bò về và đến phiên chợ sau thì lại dắt xuống bán tiếp.
Phiên chợ nào cũng vậy, có cả nghìn con bò được mua bán, trao đổi tại đây |
Thuận mua vừa bán, không cò kè thêm bớt, chỉ vài ba câu là có thể kết thúc giao dịch, dắt bò đi. Phiên chợ đông vui mà không ồn ào. Ồn ã nếu có, may ra chỉ ở quán bán thắng cố. Đó là nơi mọi người khi xong việc tìm đến đó để tự thưởng cho mình trong ngày xuống chơi chợ. Phụ nữ cũng như đàn ông, người bán cũng như người mua, cứ hễ xong việc là vào quán thắng cố gọi một bát và uống rượu. Nhiều người trong họ cũng đã say, gục xuống ngủ vội chờ cho tỉnh rượu rồi về mà không sợ bị ai móc túi hay dắt bò của mình đi. Ngủ một ngày, hai ngày… rồi cả tuần cũng vậy thôi, tài sản vẫn vẹn nguyên đến lúc về nhà.
Bây giờ, phiên chợ bò độc đáo này đã nhiều người biết đến. Hàng tuần, cứ vào ngày chủ nhật, cánh lái buôn từ khắp nơi lại tìm đến đây để mua bán, trao đổi.
Mỗi tuần một phiên chợ, mỗi năm 48 Chủ nhật qua đi có đến cả nghìn, cả vạn con bò dắt đến được trao đổi, bất kể ngày nắng hay mưa ở phiên chợ độc đáo này. Ngoài cái làm nên một nét văn hóa độc đáo cho miền cực Bắc thì phiên chợ còn là nơi mở ra cơ hội trao đổi, tăng thêm thu nhập cho những người dân nghèo miền quê đá của Mèo Vạc, Hà Giang.