Đại học Messina, thường được viết tắt là UniME, được thành lập vào năm 1548 bởi Giáo hoàng Paul III và ngày nay được coi là một trong những trường đại học lâu đời nhất ở Ý. Nằm ở mạn đông bắc đảo Sicily xinh đẹp, Messina cũng là nơi hơn 70 sinh viên Việt Nam đang sinh sống và theo học nhiều ngành đa dạng như Du lịch, Quan hệ Quốc tế, Khoa học Chính trị,…
Được tài trợ bởi nhà trường và trung tâm ItaCentro thuộc Đại học Hà Nội, sự kiện vừa diễn ra vào thứ Ba (7/12) thực chất đã được các bạn sinh viên dày công chuẩn bị từ nhiều tuần trước. Sự xuất hiện của sinh viên Việt Nam ở thành phố ven biển nước Ý này không còn là mới nữa, nhưng đây lại là lần đầu tiên các bạn có cơ hội được thể hiện bản sắc của đất nước mình. Chính vì vậy, từ việc chọn lựa menu, đi chợ mua đồ, đến chọn nhạc và thiết kế áp phích, ban tổ chức muốn đảm bảo mọi nét đẹp của văn hóa Việt được truyền tải một cách trọn vẹn nhất.
“Ý tưởng tổ chức sự kiện bắt nguồn từ thầy Pietro Perconti – trưởng khoa Khoa học Xã hội Nhân văn (COSPECS)”, Nguyễn Bách Lâm, hiện đang theo học ngành Lý thuyết Giao tiếp hệ thạc sĩ và cũng là trưởng ban tổ chức, cho biết. “Thực chất, thầy đã ấp ủ ý tưởng này từ rất lâu rồi, bởi thầy cũng từng đến thăm Việt Nam và đã phải lòng đất nước, con người và văn hóa Việt ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sau khi nghe ý tưởng của thầy, mình cùng các bạn sinh viên khác đã lên kế hoạch tổ chức sự kiện”.
Bàn tiệc với các món ăn Việt truyền thống. Ảnh: Lê Thu Hương - Nguyễn Tuấn Mạnh |
Lên tầng hai tòa nhà của khoa COSPECS, mỗi vị khách nhận được gói quà nhỏ: một viên kẹo, một gói bánh đậu xanh truyền thống cùng với ít bỏng ngô để chuẩn bị xem phim. Hai bộ phim được chọn trình chiếu- Xích lô (1995) và Cha cõng con (2017) cho người xem cơ hội hé nhìn vào một số mảnh đời cũng như cảnh quan đất nước Việt Nam.
Sau hai bộ phim, hai bạn MC Nguyễn Hải Đăng và Nguyễn Ngọc Trâm – đều thuộc khoa COSPECS - đã giới thiệu sâu hơn về quê nhà bằng tiếng Anh và Ý. Muốn khám phá về một đất nước xa xôi ở tận nửa bên kia thế giới, cả khán phòng đã lắng nghe vô cùng chăm chú khi hai bạn nói về các tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và đương nhiên là cả bộ áo dài truyền thống.
Sau bài thuyết trình, mở ra không gian ẩm thực Việt. Đây cũng chính là tâm điểm của sự kiện. Rời khỏi khán phòng, các vị khách được chào đón bởi một bàn tiệc đầy ắp đồ ăn Việt, được chuẩn bị bởi chính các bạn sinh viên Việt Nam. Các món mặn bao gồm nem cuốn, nem rán, bánh bao và bò sốt tiêu đen. Trong khi đó, các món ngọt là trà sữa trân châu, chè khúc bạch và hoa quả dầm. Hương vị đậm đà của nhiều món đã làm nhiều bạn sinh viên quốc tế phải hỏi xin công thức để có thể tự làm tại nhà.
“Không thể phủ nhận rằng nền ẩm thực của chúng ta vô cùng phong phú, đa dạng và hơn hết là ngon miệng”, bạn Nguyễn Bách Lâm nói. “Vì thế, mình cảm thấy rất vui khi mọi người khen đồ ăn chúng mình làm, bởi qua đó mình cảm thấy đã phần nào thành công trong việc truyền bá văn hóa ẩm thực Việt Nam. Bên cạnh đó, những món ăn này cũng giúp các bạn người Việt tại Messina cảm thấy được an ủi khi ở xa nhà như thế”.
Vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, một bữa ăn ngon là cách tốt nhất để kết nối mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Các đĩa đồ ăn cứ mang ra đến đâu là lại hết đến đó, không uổng công của các bạn sinh viên nấu bếp. Xin hé lộ một chút hậu trường bếp núc: vì một số món ăn yêu cầu thời gian chế biến lâu, như bột nở trong bánh bao và thạch trong chè khúc bạch, cộng với số lượng lớn - 150 suất mỗi món, các bạn đã bắt tay làm từ 5 giờ chiều ngày hôm trước. Nguyễn Trọng Hoàng, sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế và là “bếp trưởng” của sự kiện, cùng với Bách Lâm đã thức trắng đêm để nặn từng cái bánh bao và cuốn từng cái nem.
“Cho dù trong phần lớn sự kiện phải túc trực trong bếp, mình thấy rất vui khi nhận lại được những lời khen ngợi của thầy cô và các bạn”, bạn Hoàng cho biết. “Mình đã được đóng góp cho một sự kiện tôn vinh quê hương. Mong rằng sinh viên Việt ở Messina đã tạo được ấn tượng đẹp về con người Việt Nam trong mắt các bạn nước ngoài”.
Sau bữa ăn là những tiết mục văn nghệ của các bạn sinh viên với các bài hát trẻ trung như “Bùa yêu” và “Bốn chữ lắm” làm buổi tối ngày càng sôi động hơn. Các bạn cũng không quên lan toả bản sắc dân tộc qua ca khúc “Thương ca tiếng Việt”, thể hiện bởi sinh viên Nguyễn Khánh Quỳnh khoa Khoa học Chính trị.
Sinh viên quốc tế cũng trực tiếp tham gia cuộc vui, với các bài hát tiếng Ý cũng như tiếng Anh. Sự kiện tiến vào hồi kết trong tiếng đồng thanh hát các giai điệu Giáng sinh, không khí phấn khởi, ấm áp khi các nền văn hóa giao thoa với nhau.
“Mình đã có một buổi tối rất vui và học được rất nhiều điều mới”, bạn Soheil Sadeghizadeh, sinh viên ngành Dược đến từ Iran chia sẻ sau sự kiện. “Đồ ăn Việt Nam thật tuyệt vời, và con người Việt Nam cũng vậy. Mình nhất định sẽ đến thăm Việt Nam một ngày nào đó”.
Với gần 100 khách tham dự đến từ hơn 10 nước khác nhau, Vietnam Day khép lại thành công và ấm áp tình cảm. Cho dù có đôi phần bỡ ngỡ khi tổ chức sự kiện lần đầu tại một đất nước xa xôi, các bạn sinh viên Việt ở Messina đều vui khi cảm thấy các vị khách ra về với một tình yêu mới dành cho Việt Nam.
Sinh viên Nguyễn Bách Lâm chia sẻ: “Sự kiện lần này được tổ chức nhằm kết nối các bạn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Messina, giữa người mới và người cũ để chúng mình có một cộng đồng lớn mạnh hơn, đoàn kết hơn. Thứ hai, để bạn bè quốc tế thấy được những tinh hoa của người Việt, khẳng định rằng đất nước chúng ta có một lịch sử lâu đời, một bản sắc văn hóa đa dạng”.
Khi được hỏi liệu có tiếp tục tham gia tổ chức một sự kiện như thế này trong tương lai không, nếu được cho cơ hội, Nguyễn Bách Lâm cởi mở: “Đương nhiên là có rồi! Bởi mình thấy vẫn còn rất nhiều điều về Việt Nam mà bạn bè quốc tế nên được biết và vẫn còn rất nhiều sinh viên hào hứng muốn giới thiệu về văn hóa Việt Nam”.