Một tiết mục biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật "Bảo Lộc-Hương trà, sắc tơ" |
Ngày 12/12, UBND TP Bảo Lộc cho biết “Bảo Lộc - Hương trà, sắc tơ” là 1 trong 9 chương trình chính của Festival hoa Đà Lạt 2022; được dàn dựng, biểu diễn công phu với sự tham gia của hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân của các đoàn nghệ thuật trung ương và địa phương.
Một đội cồng chiêng ở Bảo Lộc |
Theo Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Nguyễn Văn Phương, chương trình được dàn dựng theo dạng sử thi nhằm tái hiện chặng đường hình thành và phát triển của xứ B’Lao xưa và TP Bảo Lộc ngày nay.
“Khát vọng B’Lao” là phần mở màn chương trình với các ca khúc âm hưởng hào hùng của “Giấc mơ rừng xanh” hoặc trầm buồn, lãng mạn của “Chuyện tình Đam B’ri”… và những hoạt cảnh kể về sự hình thành của vùng đất và con người B’Lao huyền thoại.
Điệu múa của sơn nữ Mạ |
Người Mạ và người K’Ho là 2 tộc người thiểu số bản địa lâu đời nhất ở xứ này, có đời sống văn hóa phong phú, giàu bản sắc; thể hiện rõ nét trong thực hành văn hóa - xã hội, xây dựng thiết chế gia đình - cộng đồng, tập quán canh tác nông nghiệp, dệt thổ cẩm, giữ gìn kiến trúc nhà truyền thống, biểu diễn cồng chiêng và các vũ điệu truyền thống…
Đồi chè ô long |
Chương trình còn thể hiện quá trình hội nhập, tỏa sáng của TP Bảo Lộc, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, Bảo Lộc đã từng bước khẳng định vai trò là thủ phủ tơ lụa của Việt Nam, vùng sản xuất và chế biến trà lớn nhất miền Nam.
Mỗi năm TP Bảo Lộc thu về từ 17 - 20 triệu USD từ việc xuất khẩu tơ lụa sang hàng chục nước, trong đó có những thị trường khó tính, kiểm định nghiêm ngặt như Nhật, Pháp, Ý...; cũng như bán tơ thô, lụa thành phẩm cho Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ.
Một cơ sở nuôi tằm ở thủ phủ tơ lụa |
Việt Nam đang đứng vị trí thứ 3 châu Á và thứ 6 trên thế giới về sản lượng tơ lụa xuất khẩu; trong đó, Bảo Lộc duy trì sản lượng xuất khẩu từ trên 1.100 tấn tơ và 3 - 3,5 triệu mét lụa mỗi năm, chiếm khoảng 80% sản lượng tơ lụa xuất khẩu của cả nước.
Một dây chuyền sản xuất tơ ở Bảo Lộc |
Các buôn làng của người Mạ và K’Ho cũng xanh ngắt đồi chè, vườn dâu, chất đầy nong né với những lứa tằm ăn rỗi tiếp nối, mang về nguồn thu nhập khá cao so với việc trồng lúa bắp, khoai đậu trước kia.
Ông K’Luyn (thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu) cho biết, những năm gần đây, người dân trong thôn được hỗ trợ giống chè, dâu tằm, phân bón và được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nên cuộc sống đầy đủ hơn. Số hộ nghèo trong thôn giảm, hộ khá ngày càng tăng. Ngoài ra, Đạ Nghịch còn thành lập làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời.