Tự ý ‘trang điểm’ cho giếng cổ Đường Lâm để quay phim

0:00 / 0:00
0:00
Chiếc giếng cổ làng Đường Lâm được cọ rửa phần bột màu.
Chiếc giếng cổ làng Đường Lâm được cọ rửa phần bột màu.
TPO - Chiều 8/11, chiếc giếng cổ tại làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã được tẩy hết phần màu phủ lên bề mặt. Thế nhưng vẻ cổ kính nhuộm màu rêu phong của chiếc giếng cổ thì chẳng thể một sớm, một chiều trở lại.

“Trang điểm” cho giếng cổ

Mới đây, một đoàn làm phim tết về Đường Lâm quay phim. Một trong số bối cảnh có chiếc giếng cổ nằm cạnh tường bao của đình làng Mông Phụ. Đây là khu vực bảo vệ I, trong di tích quốc gia Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Bà Trần Thị Năm-bán quán nước ở cạnh Đình và ngay cạnh chiếc giếng cổ- kể rằng, đoàn làm phim tới ghi hình và đã tự ý tô vẽ mặt ngoài, thành giếng khiến người dân làng bức xúc.

Tự ý ‘trang điểm’ cho giếng cổ Đường Lâm để quay phim ảnh 1

Giếng cổ bị đoàn làm phim tô vẽ. Ảnh: ĐỖ DOÃN HOÀNG

Chiếc giếng cổ này vốn là giếng gạch có trát vữa, ngả màu rêu phong khá ăn nhập với mái đình Mông Phụ kề bên.

“Giếng nguyên bản của làng chỉ có gạch nhẵn bóng ở bề mặt thành giếng, mấy năm gần đây được tu bổ mới trát vữa lên”, bà Năm nói.

Trong lòng giếng có nhiều bụi dương xỉ. Nước giếng trong vắt suốt bao năm qua. Trước đây, giếng nước vẫn là nguồn cung cấp nước ăn cho dân làng. Người dân Mông Phụ coi không gian giếng cổ rất linh thiêng. Mỗi năm họ đều phải làm lễ theo lệ làng trước khi nạo vét, tu sửa giếng.

Tự ý ‘trang điểm’ cho giếng cổ Đường Lâm để quay phim ảnh 2

Người dân Đường Lâm tiếc vì giếng cổ mất đi vẻ rêu phong

Ông Phan Văn Hòa, Chủ tịch xã Đường Lâm cho biết, đoàn làm phim chỉ xin phép quay phim. Họ tự ý dùng vôi, bột màu để làm thay đổi bề mặt giếng thôn Mông Phụ. “Từ trước đến nay, các đoàn làm phim đến xin phép, chúng tôi đều không gây khó khăn nhưng đều yêu cầu họ không đụng chạm vào di tích”, ông Hòa nói.

Sửa sai và bài học về nhận thức

Có mặt tại khu vực giếng cổ Mông Phụ chiều 8/11, chúng tôi ghi nhận toàn bộ phần màu vẽ đã được cọ rửa gần như hoàn toàn. Một phần màu được dội nước trôi cả xuống lòng giếng, nhuộm nước ngả hồng. “Họ đã cọ rửa toàn bộ phần màu vẽ ở bề mặt giếng, tuy nhiên tôi vẫn thấy tiếc vì bây giờ cái giếng mất đi vẻ rêu phong”, bà Năm nói.

Đoàn làm phim mới kịp “trang điểm” cho chiếc giếng này, chưa kịp ghi hình thì vấp phải sự phản ứng của nhân dân. Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm và cán bộ xã tới hiện trường lập biên bản vi phạm ngay ngày 7/11. Xã yêu cầu đoàn làm phim phải tạm dừng mọi hoạt động tại giếng đình Mông Phụ, yêu cầu nhanh chóng trả lại hiện trạng ban đầu và không được phép tiếp tục ghi hình nữa.

Tự ý ‘trang điểm’ cho giếng cổ Đường Lâm để quay phim ảnh 3

Phần thành giếng còn lưu dấu vết lem nhem do phần màu bị tẩy rửa

Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo giải thích, giếng cổ ở làng Mông Phụ thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia. Theo quy định tại điều 32 Luật Di sản, khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích. Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian.

Tự ý ‘trang điểm’ cho giếng cổ Đường Lâm để quay phim ảnh 4

Phần lòng giếng sau khi được cọ hết lớp màu.

“Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Tuy nhiên, đoàn làm phim đã không xin phép mà tự ý làm thay đổi bề mặt giếng”, ông Thạo nói.

Tự ý ‘trang điểm’ cho giếng cổ Đường Lâm để quay phim ảnh 5

Chiếc giếng sau khi được cọ rửa hết lớp màu.

Đoàn làm phim đã phải lập tức sửa sai, nhưng dấu vết lem nhem khi cọ rửa màu vẫn in ở phía bên trong lòng giếng. Sự việc đáng tiếc không chỉ là bài học cho đoàn làm phim mà còn là bài học cho những người quản lý. Cho phép đoàn làm phim quay phim ở làng cổ-di tích quốc gia- nhưng chính quyền địa phương, BQL lại buông lỏng giám sát.

Tự ý ‘trang điểm’ cho giếng cổ Đường Lâm để quay phim ảnh 6

Giếng trước khi bị đoàn làm phim tô màu.

“Chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý. Nếu có đoàn quay phim tại di tích, Ban Quản lý sẽ cử cán bộ theo đoàn để giám sát, nhắc nhở kịp thời”, Trưởng BQL di tích Làng cổ Đường Lâm nói.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.