Ông có thể chia sẻ về chuyện thúc đẩy ngoại giao văn hoá Việt Nam ở Nhật Bản?
Trong dịp diễn ra hội nghị APEC năm 2017 ở Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thời điểm đó đã mời Thủ tướng Nhật Abe Shinzo về Hội An ăn mì Quảng. Ông Abe tỏ ra thích thú với món đó. Mình phải tranh thủ cơ hội ngay. Tôi đã giới thiệu món mì Quảng tại Nhật Bản và đưa lên báo kinh tế lớn nhất của Nhật Bản là Keizai. Các bạn Nhật rất thích thú với món ăn mà lãnh đạo cao cấp nhất của họ đã được thử. Mì Quảng khá khó nấu bởi phải có những nguyên liệu đặc trưng của Quảng Nam. Vì khó khăn đó, tôi lại phải triển khai ngay làm sao đưa họ đến thử để đẩy cảm xúc của người tiêu dùng lên. Tôi đã mời các nghệ nhân mang các công cụ, nguyên liệu nấu mì Quảng đến nấu và mời các bạn Nhật tới ăn. Họ rất thích và đã đi quảng bá món ăn này…
Vải thiều Việt Nam trên kệ hàng siêu thị Nhật Bản. Nguồn: NDO |
Năm 2018, tôi đến Hokkaido nhưng không tìm được quán người Việt nào. Vì vậy, tôi phải tổ chức lễ hội ngay. Tôi chuẩn bị 500 bát phở nấu rất ngon, chở bằng xe từ Tokyo lên mất gần 12 giờ với gần 1.000km. Sau đó, tôi lại tổ chức bán hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật là hết sạch phở. Ở Hokkaido thời tiết rất lạnh, phở Việt Nam lại nóng, thơm, nên bán rất nhanh. Chúng tôi đã đứng để giới thiệu món phở với các bạn Nhật. Năm sau, một quán phở Việt đã được mở tại Hokkaido và bây giờ ở đây có một hệ thống quán phở Việt. Các bạn thích, mình vui vì thấy sự hiện diện văn hóa Việt Nam ở đó…
Ở Kagoshima, tôi lại làm cách khác. Ở đây cũng không có nhà hàng Việt nên tôi bàn với ông thống đốc tổ chức Tết cho người Việt Nam năm 2019, trong đó có các món Việt Nam. Làm Tết cho người Việt nhưng mời các bạn Nhật tới nên tạo được hiệu ứng như ở Hokkaido. Cho đến giờ, các bạn ở Kagoshima nói với tôi rằng, khi có bạn bè đến chơi, họ thường mời đến quán phở Việt Nam. Thông qua đó, người ta hiểu về Việt Nam và văn hóa Việt Nam càng vững chân trên đất Nhật…
Một lần đi thăm bảo tàng ở một tỉnh của Nhật, gặp các cháu bé được cô giáo dẫn đi tham quan, tôi hỏi vui “Các con có biết Việt Nam ở đâu không?”. Các cháu có vẻ quan tâm, cháu thì nói Việt Nam rất anh hùng, cháu thì nói Việt Nam có Bác Hồ. Tôi hỏi “Việt Nam có quả gì không?”, các cháu nói có chuối, có xoài. Tôi hỏi “đã được ăn quả vải chưa”, các cháu nói có biết nhưng chưa được ăn. Khi ta đưa được vải thiều vào thị trường Nhật, tôi gửi các cháu một thùng vải thiều và ngay lập tức tạo hiệu ứng mạnh. Cả thầy và trò đều thích và đăng lên Facebook của mình. Bố mẹ thấy con được ăn khiến cả gia đình phải đi tìm quả vải để ăn. Rất nhiều người gọi tới Aeon để hỏi vải thiều, ông giám đốc Aeon gọi cho tôi nói rằng “tôi chưa kịp quảng bá mà ông đã quảng bá khiến chúng tôi chịu sức ép phải đưa được vải về”…
Thị trường Nhật rất “chảnh”, người Nhật rất sành, đòi hỏi cao, quả vải vào được Nhật sẽ tự nhiên tạo hiệu ứng khiến Singapore nhập theo, vì đã có tiêu chuẩn Nhật kiểm chứng, rồi EU, Úc cũng nhập… Điều đó khiến thương nhân Trung Quốc khi vào Việt Nam mua vải cũng phải nâng giá.
Thưa ông, Đại sứ quán có chủ động kết nối với các doanh nghiệp?
Bất kỳ doanh nghiệp nào tôi gặp tại Nhật Bản đều đưa danh thiếp ghi rõ số di động và email trực tiếp của mình để doanh nghiệp tiện kết nối. Sáng sớm nào tôi cũng kiểm tra hòm thư để trả lời, kết nối các bạn bè…
Thị trường Nhật Bản rất lớn, người Nhật có thu nhập cao nên sức mua lớn, văn hoá ẩm thực phát triển nên nông sản Việt Nam có tiềm năng lớn. Trước đây ở Nhật không bao giờ có nước mắm, mắm tôm… Tôi đi vận động, nhất là các công ty Nhật để họ đưa hàng hóa vào siêu thị. Sau 3 năm, rất nhiều thương hiệu nước mắm của mình đều có mặt. Mắm tôm cũng vậy…
Cảm ơn ông.