Lớp học diễn ra từ ngày 9/11, kết thúc vào giữa tháng 12/2022 tại xã Thượng Lộ, với sự tham gia của 20 học viên là nam, nữ thanh niên người dân tộc Cơ Tu trên địa bàn huyện Nam Đông.
Học viên đã được các nghệ nhân truyền dạy những bài múa truyền thống cơ bản, bài múa thường được sử dụng trong các lễ hội, như: lễ hội mừng lúa mới, mừng đón khách, lễ hội đâm trâu, múa trong lao động sản xuất, múa sạp, hát múa trong giao duyên, trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc….
Trao giấy chứng nhận cho các nghệ nhân. Ảnh CTV |
Được biết, Thượng Lộ là xã định canh, định cư của huyện miền núi Nam Đông, với phần lớn người dân là bà con đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu. Hiện nay, địa phương đang tập trung đẩy mạnh du lịch cộng đồng gắn với phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Vì thế, thông qua lớp truyền dạy các điệu múa truyền thống sẽ giúp địa phương xây dựng đội ngũ kế cận biết các bài hát, điệu múa truyền thống của dân tộc Cơ Tu tham gia hoạt động biểu diễn văn nghệ truyền thống nhằm đón tiếp, phục vụ du khách đến tham quan cũng như phục vụ trong các dịp lễ, hội của quê hương, đất nước.
Trao giấy chứng nhận cho các học viên. Ảnh CTV |
Đồng thời, góp phần lan tỏa đến nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về ý thức, trách nhiệm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật, bản sắc dân tộc đồng bào Cơ tu cho hôm nay và mai sau.
Các học viên trình diễn múa Cơ tu tại lễ bế giảng. Ảnh CTV |
Tại buổi bế giảng, các học viên đã trình diễn các bài hát, điệu múa tiêu biểu của dân tộc mình bằng niềm say mê và tự hào sâu sắc. Như vậy, từ đầu năm đến nay huyện Nam Đông đã tổ chức 3 lớp truyền dạy, gồm: nhạc cụ, điêu khắc và lớp hát múa truyền thống với 70 học viên là nam, nữ thanh niên người Cơ Tu tham gia.
Hội thi trình diễn cồng chiêng huyện Nam Đông lần thứ I năm 2019. Ảnh VHTT NĐ |
Theo tìm hiểu, tại huyện miền núi Nam Đông hiện nay, người dân cùng sinh sống chủ yếu là người Kinh và đồng bào dân tộc Cơ Tu, trong đó, đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm 43% dân số toàn huyện.
Đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất, canh tác, lễ hội, trang phục, kiến trúc, hoa văn của đồng bào dân tộc Cơ Tu... là những giá trị văn hóa độc đáo và vô cùng quan trọng đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông.
Hiện nay, một số lễ hội, phong tục tập quán, ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu đã và đang bị mai một, có nguy cơ không còn lưu truyền được. Do đó, việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể… sẽ làm cho giá trị văn hóa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững.