Tên chị là Bàn Thị Phin, sinh năm 1966, chủ nhà hàng Phong Phin trên đỉnh Đèo Gió. Khi lập gia đình cái nghèo vẫn đeo bám, hai vợ chồng vào rừng kiếm củ mài để chống lại cái đói, nhường cơm nguội cho đàn con thơ… “Nhưng măng ớt rừng đã cứu chúng tôi, giúp chúng tôi có cuộc sống như hiện tại”, chị kể.
Không có mối tình, không có đám cưới
“Bố mẹ tôi đều là người Dao. Khác với nhiều cặp vợ chồng người Dao thời ấy sinh khá nhiều con, có nhà sinh 7-8 đứa, thậm chí mười mấy đứa, bố mẹ tôi chỉ sinh hai đứa con. Hồi đó, chúng tôi sống trong rừng sâu, cách nhà hàng Phong Phin khoảng 30 cây số”, chị Phin nói.
Tôi hỏi: “Tuổi thơ của chị trong rừng có giống truyện cổ tích không?”. Chị cười, thoáng buồn: “Tuổi thơ ư? Tôi không có tuổi thơ, không có ký ức đẹp để nhớ. Ngày xưa, dù còn rất nhỏ, tôi đã theo bố mẹ đi làm. Bố mẹ nhổ cỏ, tôi cũng nhổ cỏ. Bố mẹ trồng ngô, tôi cũng thả hạt. Bố mẹ vác củi về đun, tôi cũng vác một bó nhỏ”.
Cuộc sống lam lũ cứ thế trôi đi. Cô bé Bàn Thị Phin biết nhổ cỏ, biết vác củi nhưng lại không biết chữ: “Chúng tôi ở rừng sâu có trường lớp đâu mà học!”. Trường lớp không có, mà mái nhà tử tế với họ cũng là giấc mơ xa: “Nhà tôi khổ lắm! Bố mẹ tôi trồng cọc tre hoặc cọc gỗ rồi làm cái mái che. Cỏ gianh trong rừng không có nên bố mẹ lợp bằng cây mai, cây tre, làm thành cái máng úp vào nhau, như kiểu mái ngói bây giờ. Có đợt lũ to, bố mẹ bế các con lên bờ cao đứng, bất lực nhìn lũ cuốn cái nhà đi, trôi theo nước, thóc gạo cũng bị cuốn đi hết…”.
Khi Bàn Thị Phin lên 5-6 tuổi, bố mẹ chị hưởng ứng cuộc vận động của Nhà nước, bỏ rừng sâu heo hút ra bên ngoài hội nhập với đời, làm công nhân trồng rừng. Nhưng cuộc sống không dễ thở hơn là bao. Chị vẫn không được đến trường, không nói được tiếng Kinh.
Đến tuổi Phin lập gia đình, cái nghèo vẫn không buông tha. Cô gái trẻ Bàn Thị Phin không có đám cưới, không được mặc váy cưới. Chị giới thiệu với tôi về người đàn ông gắn bó với chị suốt 36 năm: “Anh ấy cũng là người Dao, đã mất vài năm nay rồi. Chúng tôi không có mối tình, không biết yêu, nghèo với nghèo, khổ với khổ ở với nhau, chẳng có đám cưới.
Khi về ở với anh, tôi 18 tuổi, còn anh 20 tuổi. Chúng tôi vốn sống khác làng. Cứ đến ngày chợ Ngân Sơn, anh đi chợ lại qua khu nhà tôi. Chúng tôi biết nhau, nói chuyện thấy hợp nên làm một cái lán sống cùng nhau”.
Chị Bàn Thị Phin |
Họ sinh ba đứa con, hai con trai, một con gái út. Cuộc sống của họ càng quay quắt khi gia đình thêm thành viên. Người đàn bà Dao nhiều lần rơi nước mắt khi nhìn lại quá khứ: “Khoảng năm 1991, 1992, hai vợ chồng tôi gánh gạo, gánh thực phẩm men theo sông, suối phục vụ cho những người đào vàng. Chúng tôi phải đi bộ khoảng 30-40 cây số đường rừng. Mỗi cân gạo chỉ lãi chút ít, không đáng bao nhiêu nên gánh hàng mòn chân vẫn không có tiền mua xe máy. Những khi chồng tôi bận, tôi gánh gạo, gánh thực phẩm đi một mình.
Có lúc tôi bị người ta cướp cả một gánh gà. Tôi tìm đến lán của người ta, nhân lúc trong lán đàn ông đi vắng, chỉ có phụ nữ ở lại, tôi đã lấy lại gánh gà của mình, chạy thật nhanh, không để họ đuổi kịp”.
Những năm tháng ấy, chị không dám ước bữa cơm có thịt, chỉ mong có đủ cơm nguội để ăn: “Thiếu ăn liên tục. Cơm nguội phải dành cho các con. Bố mẹ phải nhịn đói. Có lúc chúng tôi vào rừng kiếm củ mài để chống đói. Bây giờ vác bó củi đi bán, có người mua là có tiền. Hồi đó bán hàng rất khó, không ai mua, chẳng biết làm cái gì ra tiền.
Trồng ngô cũng không thu hoạch được nhiều như bây giờ vì không có phân bón. Thương các con còn nhỏ đã phải khổ, tôi lại khóc. Nhưng khóc xong ngồi nghĩ, lại thấy mình phải cố gắng hơn, làm nhiều hơn nữa mới được”.
Nhà hàng nhìn ra phong cảnh núi non do con trai chị Bàn Thị Phin thiết kế |
Người Dao không biết đến câu “phi thương bất phú” nhưng trong khó khăn vợ chị Bàn Thị Phin đã ý thức rằng: Muốn thoát nghèo phải buôn bán. Chị bắt đầu mở một cửa hàng nhỏ bán mấy thứ lặt vặt như trứng luộc, dâu da hái trong rừng… Người mở hàng đầu tiên chính là ông ngoại của chị. Ông đã mua cho cháu ngoại một lượng hàng trị giá 75 ngàn đồng. Đến bây giờ, khi đã ăn nên làm ra, chị Bàn Thị Phin vẫn không quên số tiền thu được từ vị khách hàng đặc biệt này.
Đi lên nhờ măng ớt rừng
Chị Phin tiết lộ: Kinh tế gia đình chị thay đổi bắt đầu từ năm 2004, nhờ măng ớt rừng. Ở vùng cao, măng ớt là món ăn quen thuộc của người Tày, người Nùng, người Dao…
“Hồi xưa tôi làm măng ớt đựng vào vỏ chai nước lọc. Những người đi xe tải dừng chân ở cửa hàng của tôi ăn thử thì thích, từ đó họ đặt mua. Thấy nhu cầu măng ớt của khách khá cao nên chúng tôi đã đầu tư. Bây giờ măng ớt của chúng tôi đã lên 3 sao, đã góp mặt ở một số siêu thị. Chúng tôi sẽ cố gắng để đẩy món này lên 5 sao”, bà chủ nhà hàng Phong Phin tâm sự.
Sản vật vùng cao được bán ở nhà hàng chị Phin |
Tôi hỏi: “Măng ớt Phong Phin có gì đặc biệt so với măng ớt các nơi khác?”. Chị cười: “Chúng tôi làm theo cách truyền thống, có muối, mắm. Thế thôi. Măng trắng như tờ giấy không phải măng của nhà tôi đâu, măng của nhà tôi vàng vì không dùng hoá chất cũng không dùng giấm chua”.
Trước đây, chị ngâm măng trong xô. Bây giờ để đáp ứng nhu cầu của khách, chị ngâm măng trong bồn nước inox. Theo chị Phin, cứ 10 bồn nước inox sẽ cho khoảng 7 tấn măng. Chị đã xây xưởng sản xuất măng ớt. Măng Phong Phin chủ yếu gồm hai loại: Măng tre, măng mai.
Chị Phin chỉ cho tôi rừng mai, tre của nhà chị: “Chúng tôi lấy nguồn nguyên liệu chủ yếu từ đây”. Chị mở bao tải đựng đầy củ măng mập mạp mới thu hoạch, nâng lên 2 củ, hào hứng giới thiệu: “Những gì tôi có hôm nay đều nhờ măng ớt”.
Măng ớt rừng đã “cứu” chị Phin thoát nghèo |
Người phụ nữ Dao tậu xe ô tô từ khá sớm: “Năm 2007, vợ chồng tôi mua chiếc Lacetti, 350 triệu đồng. Số tiền ấy với chúng tôi rất lớn. Đến nay tôi đã mua được 4 chiếc xe, 3 chiếc cho các con, giá rẻ thôi. Còn tôi chạy chiếc Peugeot”. Tôi hỏi liệu con xe trị giá hơn một tỷ đồng của chị đã “xịn” nhất ở đỉnh Đèo Gió hay chưa? Chị cười: “Có thể”.
Chị Phin còn kể: “Hồi tôi thi lấy bằng lái xe cũng bị trượt một lần đấy. Vì tôi không biết làm trên máy tính”. Khen chị nói tiếng Kinh lưu loát, chị bảo: “Cứ để ý kỹ sẽ thấy có những từ tôi phát âm chưa chuẩn. Có ai dạy tiếng Kinh cho tôi đâu, tự học thôi. Thí dụ, nhìn người ta chỉ vào vật dùng để nấu cơm rồi nói: Lấy cho cái nồi. Thế là tôi biết đó là nồi cơm”.
Chị cũng chưa viết thạo: “Nếu buôn bán lớn phải ghi từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng thì tôi không biết viết như nào”. Tôi tò mò hỏi: “Ai dạy chữ cho chị?”. Chị lại cười: “Tôi tự học thôi. Thấy các con học bài tôi học theo, rồi học từ chồng, chồng tôi biết chữ còn biết làm thơ nữa. Cái câu “Đèo gió quê em” ở trên vách đá đối diện nhà hàng là chồng tôi nghĩ ra đấy”.
Chị còn khoe, chồng chị từng được bầu là đại biểu dự đại hội toàn quốc vinh danh những người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Theo chị Phin, người Dao ở Đèo Gió (Bắc Kạn) hiện nay không còn đói khổ như xưa: “Ai cũng có nhà xây, ít nhất là nhà cấp 4”. Tuy đời sống đã khá hơn nhưng người Dao ở đây vẫn gìn giữ truyền thống văn hoá: “Tôi vẫn thêu thùa, vẫn mặc váy của phụ nữ dân tộc Dao vào những dịp đặc biệt. Các con tôi cũng học theo tôi”, chị chia sẻ.
Đi bộ 7 cây số đến trường
Khi đã có điều kiện kinh tế, chị Phin thích đi du lịch để mở mang tầm mắt. Chị vừa đi du lịch Singapore, Malaysia.
Ba người con của chị Bàn Thị Phin đều được học hành đầy đủ. Hai người con tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định trong các cơ quan nhà nước. Còn người con trai thứ hai học hết lớp 12 đang sống cùng chị, để hỗ trợ và dần tiếp quản công việc buôn bán của chị.
Tôi băn khoăn: “Chị không biết chữ thì dạy con học thế nào?”. Chị đáp: “Tôi chỉ nhắc nhở thôi. Các con đi học về, ăn cơm xong tôi lại nhắc: Các con ơi, làm bài đi nhé. Bố mẹ không được học hành tử tế nên phải lao động vất vả, các con phải phấn đấu để sau này có công ăn việc làm, không khổ như bố mẹ”. Nhờ những lời động viên của mẹ, các con của chị đã kiên trì học tập: “Mỗi sáng, các con dậy từ 5 giờ, đi bộ 7 cây số đến trường. Hồi đó chúng tôi nghèo không có tiền mua xe máy đưa đón các con”, chị Phin nhớ lại.