Cuộc thi với tên gọi “Lắng nghe con nói” nhằm phát huy tiếng nói và sự tham gia của trẻ em trong nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tạo điều kiện để mọi trẻ em được bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là những mong muốn, ước mơ về một gia đình hạnh phúc, an toàn và bình đẳng.
Sau 4 tháng phát động từ ngày 1/5 đến 15/9/2023 tại 50 tỉnh, thành phố, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Tổ chức đã nhận được 13.311 tác phẩm dự thi (gồm tranh và clip). Trong đó, đã chọn ra 37 tác phẩm tiêu biểu gồm 20 tranh, 17 clip vào vòng chung kết.
Một tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung kết. |
Các tác phẩm được lựa chọn đều nổi bật về ý tưởng, truyền tải được thông điệp ý nghĩa theo chủ đề cuộc thi, bố cục, hình ảnh, âm thanh tốt. Nhiều tác phẩm có thể ứng dụng trong các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại lễ trao giải, Ban Tổ chức đã trao Giải Chuyên đề dành cho Hội LHPN tỉnh Lào Cai với nhiều bài dự thi chất lượng nhất 14/14 tác phẩm gửi về trung ương; Hội LHPN tỉnh An Giang là đơn vị huy động được số lượng trẻ em tham gia cuộc thi đông nhất với tổng số 4.247 em, 4.247 tác phẩm; Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi nhận giải thưởng đơn vị có nhiều video clip chất lượng nhất.
Ban Tổ chức đã trao Giải Đặc biệt về vẽ tranh cho tác giả trường Phổ thông dân tộc nội trú Đakrong (Quảng Trị) với tác phẩm mang tên "Niềm vui cho em". Giải Nhất về vẽ tranh được trao cho tác phẩm "Điều con ước" của tỉnh Lào Cai.
Đại diện của nhóm tác giả đạt Giải Đặc Biệt và Giải Nhất về vẽ tranh lên nhận giải từ BTC |
Bên cạnh đó, về các tác phẩm sáng tác video, clip, Ban Tổ chức đã trao giải đặc biệt cho nhóm tác giả trường THCS bán trú xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với tác phẩm "Điều con muốn nói". Giải Nhất được trao cho tác phẩm "Phân biệt đối xử con gái, con trai trong gia đình" của nhóm tác giả học sinh trường Tiểu học thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Cuộc thi tạo diễn đàn, sân chơi giao lưu nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, từ đó góp phần giáo dục trẻ em tiên phong thay đổi, xóa bỏ các tập tục có hại, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Đặc biệt, sau cuộc thi, nhiều sáng kiến, sản phẩm truyền thông tiêu biểu sẽ được chia sẻ, nhân rộng phù hợp tại các địa phương.