Tìm gọi học sinh giữa đại ngàn

0:00 / 0:00
0:00
Thầy giáo Quy trên giờ giảng
Thầy giáo Quy trên giờ giảng
TP - Cứ mờ sáng đầu tuần, thầy cô giáo trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Krong (trường Krong, huyện Kbang, Gia Lai) thức dậy, bất chấp mưa rừng, gió lạnh, đến từng làng tìm gọi học sinh đến trường.

Thích là bỏ học

Nhiều học sinh dân tộc Ba Na phía sau những ngọn núi ở xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai chưa ý thức được sự quan trọng của “con chữ” nên còn bỏ học đi chơi, lên rẫy phụ cha mẹ.

Đường vào xã hiểm trở vô cùng, càng tiến sâu mưa rừng càng lớn. Có khi lái xe máy cả chục cây số không thấy bóng người. Điện thoại ngoài vùng phủ sóng khiến ai đi lần đầu cũng hoang mang. Thấy đốm điện nhỏ sáng lên của trường Krong nơi sườn núi là điều hạnh phúc vô cùng với những ai lần đầu đặt chân tới mảnh đất vùng sâu này. Sau bữa cơm, thầy Phan Danh - Phó hiệu trưởng dặn chúng tôi cần ngủ sớm để 4 giờ sáng dậy hành quân vào làng Tung Gút tìm gọi học sinh. Chuẩn bị căng màn, thầy Danh nói vọng tới: “Đây là làng gần nhất để tìm học sinh. Các anh có thời gian, ở lại cuối tuần anh em chúng tôi dẫn đi từng vách núi tìm học sinh trong rẫy. Đi vậy phải mang theo cơm, đi từ khi gà chưa gáy đến 11 giờ trưa mới ra trường được”.

Tìm gọi học sinh giữa đại ngàn ảnh 1

Các thầy giáo chở học sinh đến trường

Khi tiếng gà đầu tiên cất lên giữa vùng núi heo hút cũng là lúc các thầy cô giáo thức dậy. 3 thầy giáo ngoài mặc một áo khoác còn khoác thêm lớp áo mưa nữa để chống gió lạnh. Vào làng Tung Gút phải đi tầm chục cây số, qua 2 cây cầu tràn. Trời mưa, các thầy phải đi nhanh hơn vì sợ cầu ngập, không về được. Đến đầu làng, các thầy có “trinh sát” là anh Đinh Uýt- Trưởng thôn làng Tung Gút đợi sẵn, trên tay cầm danh sách học sinh nghỉ học.

“Mấy đứa nhỏ trong làng không thích ngủ ở nhà nó đâu. Nó hay rủ nhau ngủ thành từng nhóm, có khi ở nhà rông, lúc ngủ nhà người quen cho vui. Bởi vậy, khi thầy cô giáo gọi điện thoại dặn là buổi chiều mình đi một vòng quanh làng nắm chỗ ngủ của các cháu. Sáng sớm, mình dẫn các thầy đến tìm từng đứa, chở đến trường. Mình làm việc này không có tiền nhưng chỉ cần các cháu đến trường học chữ là vui cái bụng rồi”, anh Uýt chia sẻ.

322 học sinh của trường Krong sống rải rác ở 10 làng trên địa bàn xã Krong. Thầy cô giáo trường Krong sợ nhất mùa mưa, quần áo các em ít nên không có cái thay, dễ bị đau, bệnh ngoài da. Dù vậy, nơi đây có nhiều học sinh nỗ lực vượt qua số phận để đạt học sinh giỏi, làm cán bộ. Năm học vừa qua, trường có 3 em đi thi học sinh giỏi (2 môn Lịch sử và 1 Địa lý) cấp huyện.

Vào làng, các thầy chia từng nhóm, trên đầu mỗi người đều đội chiếc đèn pin soi từng nhà một. “Trinh sát” dẫn thầy Phạm Tuấn Tùng (SN 1987, dạy môn Toán) đến nhà em Luy (lớp 7) đã bỏ học mấy ngày nay do chân giẫm gai. Nhìn vết thương đang ứa mủ, thầy Tùng vỗ về: “Đàn ông đạp gai là chuyện bình thường, vậy mà đã nghỉ học sao em? Em lên xe, thầy chở về trường chữa cho”.

Đến nhà em Kép (lớp 9) khi em đang ngủ với mẹ. Kép bị đau răng nghỉ cả tuần nay. Đang tuổi dậy thì nên Kép còn e thẹn khi thấy chúng tôi. Thầy Tùng biết nói tiếng Ba Na nên đã động viên, tư vấn gia đình em Kép cuối tuần đưa đi điều trị sớm. Sau một lúc trò chuyện, Kép gấp vội bộ quần áo rồi lên xe máy của các thầy đến trường.

Hay gia đình em Đinh Thoan (lớp 9) cuộc sống khó khăn, cha mẹ sức khoẻ yếu nên em cũng ý thức phụ giúp gia đình việc đồng áng. Thoan là học sinh cá biệt, nhuộm tóc vàng, chạy xe máy nhanh nhất làng Tung Gút khiến thầy cô giáo khá lo lắng. “Xe máy ở ngoài của em à? Sau này đừng nhuộm tóc nữa nhé! Đi xe máy phải cẩn thận, không được nẹt pô. Đấy là hành động không tốt!”, sau lời khuyên của thầy Tùng, Thoan gật đầu ngại ngùng.

7 giờ sáng nhưng mặt trời chưa vượt khỏi đỉnh núi che làng Tung Gút, các em nhỏ ôm chặt các thầy sau xe máy tiến về Trường Krong.

Vì thế hệ mới

Thầy Nguyễn Quốc Triều là một trong những giáo viên trẻ nhất của trường Krong, 27 tuổi, dạy môn Vật Lý. Bốn năm trước thầy thi đỗ vào biên chế, dù đã xác định trước tâm lý nhưng khi biết từ nhà mình ở huyện Đắk Pơ (Gia Lai) vào trường Krong hơn 70km khiến chàng thanh niên ngần ngại. Thương con, mẹ thầy khuyên Triều tìm công việc khác đỡ vất vả hơn. Nhưng khi vào trường nghe hoàn cảnh các em học sinh nơi đây, thầy quyết định ở lại. “Quả thực đường vào trường rất khó khăn, nhất là khi trời mưa lớn, sạt lở núi là chuyện bình thường. Lúc xe hỏng giữa đường, tôi lấy đồ nghề tự sửa, xẹp lốp thì cố đi luôn đến trường. Vì thế chúng tôi thường rủ nhau đi thành từng nhóm, sạt lở sẽ cùng vác xe qua, hỏng hóc thì lấy đồ nghề tự sửa”, thầy Triều kể.

Hoàn cảnh gia đình của thầy Bùi Trung Quy (1980, dạy Lịch sử, Địa lý) khiến các thầy cô giáo trong trường lo lắng nhưng “lực bất tòng tâm”. Thầy gắn bó với trường đã 16 năm, trải qua bao thăng trầm, vất vả. Ngày đó, đường vào trường chưa được thảm nhựa, sình lầy, sạt lở, đi từ chiều nhưng nửa đêm mới tới. Bao vất vả ấy sá chi với thầy Quy, nhưng từ khi hay tin vợ bị ung thư, người đàn ông rắn rỏi ấy suy sụp, buồn bã. Hoàn cảnh như thế nên giờ hai vợ chồng chỉ biết tối về gọi điện động viên nhau cố gắng vượt qua, mong một ngày thầy Quy được chuyển về gần nhà.

Phó hiệu trưởng trường Krong Phan Danh chia sẻ, trường có 11 biên chế, 2 giáo viên hợp đồng. Tổng số học sinh của trường hơn 322 em, đa phần người Ba Na. “Thầy cô công tác ở vùng này gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi bởi vừa là người thầy, vừa như là cha mẹ thứ hai của các em khi vừa rèn luyện kỹ năng sống đơn giản như đánh răng, gấp chăn màn sau giờ đứng lớp”, thầy Danh chia sẻ và không khỏi tâm tư khi tâm lý phụ huynh vùng núi vẫn không muốn con em đi học, chỉ muốn ở nhà phụ giúp gia đình. Thậm chí, có trường hợp phụ huynh không cho con em đi học, đánh cả giáo viên. Chưa kể, dịch COVID-19 phức tạp 2 năm qua, các em học sinh nơi đây không có máy tính bảng, điện thoại thông minh học trực tuyến, thầy cô giáo lại nghĩ ra “chiêu” soạn phiếu học tập, đầu tuần mang đến phát từng nhà mỗi em một. Cứ thế, các thầy vẫn miệt mài đi tìm học sinh, thắp ước mơ nơi đại ngàn...

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.