Thi đua khen thưởng: Chú trọng hơn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
TPO - Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, lần sửa đổi Luật Thi đua Khen thưởng này sẽ hướng về cơ sở, khen thưởng cho các tập thể cơ sở và chú trọng hơn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và hải đảo.

Thúc đẩy phong trào thi đua ở những vùng khó khăn

Cho ý kiến về dự thảo Luật Thi đua Khen thưởng (sửa đổi) đang được trình Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu quy định tại Điều 26. Đại biểu đồng ý với việc bổ sung danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu. Việc sửa đổi, bổ sung như trên nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp.

Tuy nhiên, theo đại biểu, một trong ba tiêu chí để được xét công nhận xã tiêu biểu là xã phải đạt chuẩn nông thôn mới. “Tiêu chí này áp dụng đối với các xã biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, việc đạt chuẩn nông thôn mới là rất khó”, đại biểu Thi bày tỏ, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thêm, có tiêu chí phù hợp hơn để tạo điều kiện khuyến khích các xã vùng đặc biệt khó khăn, xã biên giới, hải đảo phấn đấu đạt danh hiệu trên.

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hoá) cho rằng, tại điểm D khoản 2 Điều 6 về nguyên tắc khen thưởng, cần rà soát lại, bổ sung cho sát với tinh thần Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Theo đại biểu, dự thảo mới nêu một nguyên tắc là quan tâm đến người trực tiếp lao động sản xuất, học tập, công tác, khen thưởng tại các vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đại biểu, cần phải quan tâm đến tập thể nhỏ theo tinh thần Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị.

Đề cập đến danh hiệu xã tiêu biểu, quy định có 3 tiêu chí, trong đó có một tiêu chuẩn là phải đạt chuẩn nông thôn mới, ông Hải cho đây là tiêu chí mà có thể những xã đồng bằng ven biển dễ tiếp cận hơn rất nhiều so với những xã ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Theo ông Hải, nếu để hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo thì cần một nguồn lực rất lớn từ nhân dân cũng như từ nguồn ngân sách của Nhà nước. Đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, quy định để phù hợp với từng vùng, từng miền, đặc biệt là những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới hải đảo.

“Chúng ta cũng cần phải có những tiêu chí cho phù hợp để làm sao thúc đẩy phong trào thi đua ở những vùng khó khăn”, ông Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Thanh Hoá cũng quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn khen thưởng huân chương cho công nhân, nông dân có sáng kiến hoặc mô hình sản xuất mang lại giá trị cao.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần phải rà soát lại phạm vi ảnh hưởng, số lượng sáng kiến của người nông dân, công nhân.

“Chúng ta cũng cần phải đảm bảo sự chặt chẽ nhưng không dễ dãi, phải tạo điều kiện để cho người nông dân, người công nhân tích cực tham gia các phong trào thi đua, tiếp cận với các danh hiệu thi đua”, ông Hải nói.

Chú trọng hơn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) đề nghị ưu tiên khen thưởng những người đang công tác, sinh sống tại địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, vùng biên giới.

“Trong thực tế, để giữ vững chủ quyền biển đảo, gìn giữ biên giới, bờ cõi, phên giậu của Tổ quốc những người sinh sống, công tác, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, vùng biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thế nên rất cần nhà nước ưu tiên trong việc xét khen thưởng để ghi nhận thành tích, công lao và sự cống hiến của họ cho đất nước”, đại biểu nêu rõ.

Giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh nguyên tắc, phải đảm bảo được tính kế thừa và đổi mới, kế thừa những điều, khoản, những nội dung, những vấn đề mà thực tiễn đã chứng minh rất hợp lý, có sức lan tỏa, đã có tính ổn định, kể cả tên danh hiệu. Đồng thời nghiên cứu để đổi mới những vấn đề xuất phát từ thực tiễn, hướng mạnh hơn về khu vực ngoài nhà nước và khen thưởng cho người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu, nhất là đối tượng là công nhân, nông dân, doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học... Đặc biệt là hướng về cơ sở, khen thưởng cho các tập thể cơ sở và chú trọng hơn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và hải đảo.

Lần sửa đổi này Ban soạn thảo có bổ sung danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu cũng là tích hợp để thống nhất, đồng bộ các phong trào thi đua từ thực tiễn.

“Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp thu ý kiến của các đại biểu để cụ thể hóa về tiêu chuẩn cho phù hợp hơn, đặc biệt có sự quan tâm đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cho phù hợp hơn với tiêu chuẩn và thực tiễn; phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định cụ thể để phù hợp và sát với yêu cầu thực tiễn”, Bộ trưởng Trà nêu.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

TPO - Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) ký ban hành với mục đích đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, đồng thời bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn.
Điểm cầu tỉnh Cao bằng tham gia họp trực tuyến.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn

TPO - Sáng 23/11, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của 2 tỉnh trong quá trình thực hiện.