Đền Tam Giang tọa lạc tại phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ |
Cùng vãn cảnh Ngã ba Bạch Hạc, đền Tam Giang, anh Nguyễn Nga Việt, Phó Phòng Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho hay: Đền Tam Giang sơ khởi là một đạo quán có tên là Thông Thánh được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ VII - năm Vĩnh Huy (650). Từ Thông Thánh quán ban đầu được trở thành đền. Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, năm 2010, đền Tam Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Tượng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật tại đền Tam Giang. |
Đền Tam Giang tọa lạc tại vùng đất ngã ba Hạc, hay ngã ba Bạch Hạc là nơi hợp lưu của 3 dòng sông chứa đầy sinh khí. Trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí”, mục “huyện Bạch Hạc” có ghi: “Nguyên là đất Phong Châu, vua Hùng Vương đóng đô ở đấy, đời Lê Quang Thuận (1460-1469) đặt tên là Bạch Hạc, lời chua trong dư Địa chí Nguyễn Trãi nói rằng: Nơi đây có cây chiên đàn, chim hạc trắng đậu trên cây nên đặt tên thế".
Một góc đền Tam Giang |
Hướng chính của đền quay ra sông, nhìn theo hướng Tây Bắc thấy núi Nghĩa Lĩnh, nơi thờ các đức Quốc tổ Hùng Vương. Ông Nguyễn Văn Cống, Phó Ban quản lý đền Tam Giang phân tích thêm: Bên tả đền là dãy Tam Đảo trùng điệp (núi mẹ), bên hữu là dãy núi Ba Vì (núi cha) cao ngất như bức tường thành tạo nên cảnh đẹp mênh mông giữa đất trời.
Cảnh mênh mông trời nước linh thiêng tại ngã ba sông Bạch Hạc. Xem đây là vùng linh thiêng nên nhiều người đến khu vực này để lấy nước về thờ cúng, làm lễ. |
Nơi đây đã được vua Hùng chọn làm đất kinh đô đầu tiên của nhà nước Văn Lang xưa, với tên gọi: Bạch Hạc Tam Giang - Bạch Hạc Từ, Bạch Hạc Phong Châu.
Ngã ba Bạch Hạc, đền Tam Giang đã đi vào những trang sử hào hùng đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đó là: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Nữ tướng Quách A Nương, Trần Nhật Duật...
Cảnh thuyền bè tấp nập tại ngã ba sông Bạch Hạc. |
Lễ hội tôn vinh các anh hùng chống giặc ngoại xâm
Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang, gắn với tín ngưỡng thờ Thần hoàng làng Thổ Lệnh, anh hùng dân tộc Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và Thánh Mẫu Quách A Nương và các nhân vật lịch sử huyền thoại có nhiều công lao đóng góp cho dân tộc, lịch sử đã trở thành những vị thần linh được nhân dân tôn thờ, trở thành thần chủ của đền Tam Giang.
Theo anh Nguyễn Nga Việt, lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang mang biểu tượng của tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Hằng năm, nhân dân vùng Bạch Hạc tổ chức cúng tế và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian sôi nổi, hấp dẫn.
Kỳ tiệc thứ nhất được tổ chức vào dịp đầu xuân từ ngày mùng 3 đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng; kỳ tiệc thứ hai tổ chức vào ngày 30/3 âm lịch (ngày thánh sinh) và kỳ thứ ba tổ chức vào ngày 25/9 âm lịch (ngày thánh hóa).
Tục lấy nước thiêng ở ngã ba sông Bạch Hạc tại lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang. |
“Lễ hội được tổ chức với mục đích cầu mong các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an. Tuy nhiên, do những biến cố lịch sử, chiến tranh nên trong suốt thời gian dài lễ hội không được tổ chức. Từ năm 2010 trở lại đây, lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang được chính quyền và nhân dân nghiên cứu, phục dựng tổ chức trở lại theo nghi thức truyền thống”, anh Việt cho biết.
Đền Tam Giang có quy mô kiến trúc tương đối đồ sộ. Phía trong là đền chính được thiết kế theo hình chữ đinh, gồm 2 tòa: Tiền tế và hậu tế. Đền còn giữ được các pho tượng, đồ vật quý như: Tượng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cao 3,35m, đúc bằng đồng, đặt bên trái của đền, tư thế oai phong, uy nghi nhìn thẳng ra sông Lô; bia đá “Hậu thần bia ký” - niên đại Gia Long năm thứ 17 - 18; chuông đồng Thông Thánh quán chung ký - Niên hiệu: Minh Mệnh Thứ 11 - 1830; lư hương gốm da lươn, thuộc loại đồ gốm men da lươn cuối thế kỷ XIX…