Chùa Hội Phước (ở đường Hoàng Văn Thụ, TP Nha Trang) được xây dựng từ năm 1680 (tức chỉ 27 năm sau ngày chúa Nguyễn mở đất Khánh Hòa), trở thành một điểm đến tâm linh nổi tiếng của giới phật tử trong và ngoài tỉnh. Năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định xếp hạng chùa Hội Phước là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Theo cuốn sách nổi tiếng viết về vùng đất Khánh Hòa “Xứ trầm hương” của nhà thơ Quách Tấn, chùa Hội Phước là tổ đình của hầu hết các chùa ở Vĩnh Xương (huyện cũ của tỉnh Khánh Hòa) từ thời Nguyễn sơ. Tổ khai tự là ngài Phật Ấn, pháp hiệu Quảng Hiên Lão ông, thuộc phái Lâm Tế. Ban sơ ngài cất một tịnh thất bằng tranh tại đồi Hoa Sơn (tức Hòn Một, tại ngã 6 TP Nha Trang hiện giờ). Đến năm 1742, hòa thượng kế tục là ngài Đại Thông - hiệu Chánh Niệm dời chùa xuống đất bằng, cách đồi Hoa Sơn chừng 300m và đổi tên thành chùa Hội Phước.
Qua nhiều đời kế thừa, các trụ trì đều quan tâm đến việc bảo trì và tôn tạo chùa. Từ 1810 - 1841, ngài Đạo An đã tôn tạo Chánh điện và chi 50 quan tiền mua 5 sào ruộng để chùa có thêm đất canh tác. Thời Pháp thuộc, vườn chùa rộng đến mấy mẫu, chung quanh xây bằng tường gạch, trong vườn cây cối tươi tốt, có cả hòn non bộ và hồ sen. Ngày nay, do nhà cửa mọc lên san sát, bức tường thành ở mặt tiền được đưa vào sát sân, diện tích chùa bị thu hẹp còn 952,9 m2. Do qua nhiều lần tôn tạo, nên chùa Hội Phước có phần “hiện đại” hơn so với những công trình kiến trúc cùng thời. Không phải tam quan đồ sộ, cổng chùa được xây khá đơn giản với 2 trụ bằng gạch đỏ, một bên liền tường, một bên sát với nhà dân với 2 dòng chữ: “Bờ mê vướng chấp đường danh sắc, bến giác đi về cõi tịch nhiên”.
Bước vào sân chùa, chúng ta sẽ thấy 2 cây khế cổ thụ cao lớn đã chứng kiến bao thăng trầm từ lúc chùa xây dựng đến hôm nay. Không gian chùa lấy màu xanh xám làm chủ đạo, nền nhà lát gạch men trắng trang nhã. Ngôi chính điện của chùa cao 3 tầng. Bàn thờ chư Tổ được đặt tại tầng thứ nhất, giữa có bức chân dung Tổ khai sơn Phật Ấn và bài vị của các bậc cao tăng đã trụ trì chùa bao đời qua. Tầng 2 và tầng 3 là nơi thờ tự phật Di Lặc và Quan Thế Âm Bồ Tát. Những bức tượng này tương truyền có từ thời Hậu Lê và thời vua Minh Mạng còn được chùa lưu giữ đến ngày nay...
Do chùa nằm trên bãi cát mênh mông bên bờ vịnh Nha Trang nên người dân trong vùng thường gọi với cái tên quen thuộc hơn là chùa Cát. Năm 1940, chùa Hội Phước được phong “Sắc tứ Hội Phước tự” năm Bảo Đại thứ 15.