Sáng sớm, Vừ Y Hoa (học sinh lớp 10, Trường THPT Quế Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An) ăn vội bát cơm nguội rồi soạn sách vở di chuyển đến ngọn núi cách nhà hơn 1 tiếng đi bộ để chuẩn bị cho buổi học online. 8h mới bắt đầu vào học, nhưng nữ sinh này phải đi từ lúc 6h để kịp đến góc học tập của mình, kết nối 3G ổn định từ trước để không bị chậm trễ.
Hoa là học sinh duy nhất của bản đậu vào lớp 10 Trường THPT Quế Phong trong năm học này. Nhà Hoa ở xã biên giới Tri Lễ (huyện Quế Phong), đường xa xôi hiểm trở, không có sóng điện thoại. Bởi thế, phải mất vài ngày sau khai giảng năm học mới, nữ sinh này mới có thể liên lạc được với thầy cô và bước vào buổi học online đầu tiên.
Chiếc giá đỡ điện thoại được Lỳ tự chế bằng những cành cây đơn giản để phục vụ việc học online |
Góc học tập của Hoa gần 2 tuần nay là một ngọn đồi nhỏ, bàn học được chế sơ sài từ mấy cành cây chỉ đủ để chiếc điện thoại di động. Nếu thời tiết thuận lợi, sóng ổn định mỗi buổi học Hoa sẽ chỉ rớt mạng hai đến ba lần. Nhưng đợt này, Quế Phong bắt đầu vào mùa mưa, thời tiết thất thường, nhiều hôm Hoa đi bộ từ nhà đến nơi có sóng thì trời âm u, mưa bất chợt đổ xuống và tìm mỏi mắt cũng không nơi nào có tín hiệu.
Cũng như Hoa, Và Bá Lỳ (học sinh lớp 11A12, Trường THPT Quế Phong) phải dậy sớm chuẩn bị cơm trưa và tối cho bản thân rồi mang theo đến địa điểm học online của mình. Địa điểm học của Lỳ cách nhà hơn 10km, nữ sinh này thường phải đi học từ lúc 10h, đến tận khuya mới về nhà.
Những góc học giữa núi rừng của học sinh miền núi Quế Phong |
“Khi tan học, trở về đến nhà thì tất cả mọi người đều đã đi ngủ. Đường xa, nhưng em quen rồi nên cũng không thấy sợ lắm” - Lỳ nói và cho biết, mỗi ngày phải đi hàng chục km để học bài, song nữ sinh này nói đây là cách duy nhất để nghe thầy giáo giảng, không bỏ lỡ kiến thức, để tiếp tục thực hiện giấc mơ trở thành cô giáo của mình.
“Ở nhà thì không nghe thầy giáo giảng bài trực tiếp được nên em phải cố gắng đi thôi. Cũng không phải bữa nào cũng học trọn vẹn được, nhiều lúc đang học giữa chừng thì rớt mạng. Nhưng dù sao vẫn hơn không được học” - Lỳ kể.
Hình ảnh học sinh ở huyện miền núi Quế Phong ngồi học online khi xung quanh chỉ có đồi núi, những chiếc bàn tre và những chiếc lán được dựng tạm bợ không khó bắt gặp những ngày qua. Dù hoàn cảnh rất khó khăn và chưa biết việc học của mình có đạt được kết quả khi mạng internet chập chờn, nhưng tất cả đều không muốn bỏ học.
Việc che nắng, che mưa đôi khi chỉ đơn giản bằng chiếc dù cầm tay |
Thầy Ngô Chiến Thắng - giáo viên chủ nhiệm lớp 11A12, Trường THPT Quế Phong cho biết, vì không có sóng 3G nên hiện có nhiều học sinh của trường đang phải lên núi “hứng sóng” để học online. “Khi thấy học trò ngồi học giữa núi rừng như vậy, tôi rất xúc động. Dù rất cố gắng, nhưng việc học của các em cũng không dễ dàng gì, nhiều lúc đang học thì bị mất kết nối vì đường truyền không ổn định” - thầy Thắng nói.
Những ngày qua, Xồng A Thành và Xồng Bá Dần (học sinh lớp 6A1 Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong) vẫn đều đặn được anh Xồng Bá Tủa (bố Dần) chở lên một ngọn núi cách nhà 30 phút chạy xe máy “hứng sóng” học online.
Để có góc học tập này, ông bố người Mông đã phải lặn lội đi tìm suốt 1 ngày trời. Bởi ở bản Mường Lống (xã Tri Lễ) phải lên tận núi cao mới có sóng điện thoại, nhưng cũng chập chờn.
Dần và Thành được bố dựng cho một túp lều tạm trên núi để "hứng sóng" 3G |
“Mấy năm tiểu học cháu đều được giấy khen, cũng mừng và tự hào về con lắm. Tôi quanh năm chỉ ở núi rừng làm nương rẫy, chẳng thoát nghèo được, nay nghe con bảo sau này mong được làm giáo viên thấy cũng vui. Không giúp được chi nhiều thì gắng động viên con học, để sau này nó thoát cái cảnh làm nương rẫy như tôi” - anh Tủa nói.
Dần và Thành là đôi bạn thân ở cùng bản, hoàn cảnh gia đình cả 2 đều khó khăn song đôi bạn thân này vẫn luôn nỗ lực học tập, và đạt kết quả cao trong những năm tiểu học. “2 đứa chúng nó ham học lắm, chiều chiều không bận gì, cả 2 lại rủ nhau đến một góc nào đó học bài cùng nhau” - anh Tủa nói.
Dẫu hoàn cảnh khó khăn, nhưng đôi bạn thân này vẫn luôn nỗ lực học tập |
Để con trai không thua thiệt với bạn bè, anh Tủa lấy chiếc điện thoại di động duy nhất của gia đình làm phương tiện học online cho con trai và cậu bạn thân. Chiếc điện thoại đã cũ, loa không còn nghe rõ, anh lại chạy khắp bản mượn được một chiếc loa bluetooth của một cậu thanh niên đem lên núi cho con.
Sáng sớm, người bố trẻ này dậy sớm hơn thường lệ thổi cơm, luộc thêm ít măng rồi đùm cơm cho con trai mang đi ăn dọc đường. Sau khi chở con đến địa điểm học, anh Tủa trở về nhà làm việc, trưa quay lại đón con về nhà.
Không có trang thiết bị, sóng điện thoại, nhiều học sinh ở miền núi Nghệ An được giáo viên đến nhà giao bài tập |
Cô Lữ Thị Thanh Hải (Chủ nhiệm lớp 6A1, Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong) cho biết, Dần và Thành ở vùng khó khăn nhất của huyện, khu vực gia đình ở có địa hình “lòng chảo” không có sóng, muốn học online thì phụ huynh phải đưa các em đến đỉnh núi cao nhất. Khi nhận được điện thoại của phụ huynh em Dần “xin cô tên đăng nhập và mật khẩu để cho con vào học”, cô đã đi từ bất ngờ đến xúc động rơi nước mắt.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, sở này đã kêu gọi các đơn vị, cá nhân ủng hộ hơn 10 tỷ đồng để mua hơn 4.000 chiếc điện thoại di động hỗ trợ các em học sinh khó khăn, không có thiết bị phục vụ học online.