Những dấu lặng miền sơn cước- Kỳ 1: Vợ chồng trẻ con

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở thôn, buôn vùng sâu, xa, dẫu cuộc sống đã phát triển, nhưng nhiều hủ tục vẫn còn bám riết lấy họ. Nhiều bé gái đang tuổi cắp sách tới trường phải gánh thiên chức làm vợ, làm mẹ. Áp lực đè lên đôi vai những cặp vợ chồng “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Tại Đắk Lắk, không ít cặp đôi đến với nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Con cái sinh ra chưa thể đăng ký khai sinh. Cuộc sống gia đình họ đảo lộn sau khi sinh con, không ít hôn nhân đổ vỡ.

“Ăn chưa no, lo chưa tới”

Ở tuổi gần 20, độ tuổi đẹp nhất của người phụ nữ thì Sùng Thị V (dân tộc Mông, xã Ea Rớt, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) một nách hai con. Khi gợi chuyện, V tâm sự, lấy chồng rồi về làm dâu, rẫy ít, vợ chồng V phải đi làm thuê, thiếu thốn đủ thứ. Nét khắc khổ hằn trên khuôn mặt người phụ nữ ấy. “Phải chi lúc đó mình nghe lời bố mẹ thì giờ không khổ thế này”, V thở dài.

Gió mùa khô thổi thốc từng cơn luồn qua kẽ hở ngôi nhà gỗ nằm lưng chừng đồi. Trong ngôi nhà vỏn vẹn 20m2 của vợ chồng Vừ Thị Y không có gì giá trị ngoài mấy cái nồi. Trên chiếc giường cũ kĩ chồng Y nằm một góc bấm điện thoại. Y một tay bế con gần 2 tuổi vừa nhóm lửa nấu cháo, cô cho biết: “Bé hơi mệt nên nấu cháo cho ăn”. Tôi hỏi “chồng cũng ốm à?”, Y nói: “Chồng ghen với mình”. Y kể, hôm rồi mấy chị em hàng xóm tới nhà chơi, trong khi nói chuyện Y khen anh thôn bên đẹp trai, siêng năng, lúc đó chồng Y nghe được nên giận.

Mấy ngày nay hai vợ chồng không nói chuyện với nhau. Hằng ngày, vợ chồng Y phải đi làm thuê, làm mướn để có thu nhập trang trải cuộc sống. Hai đứa con chưa được làm giấy khai sinh, chờ đến ngày vợ chồng đăng ký kết hôn mới bắt đầu khai.

Những dấu lặng miền sơn cước- Kỳ 1: Vợ chồng trẻ con ảnh 1

Cán bộ xã tuyên truyền cho người dân về hệ lụy của việc tảo hôn

Cùng đi bộ trên đường bê tông phẳng lỳ chạy vào các thôn của xã Cư Kbang (huyện Ea Súp), chị Lý Thị Dung, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 15, xã này cho biết, bây giờ đường đi thuận tiện, thương lái vào tận nơi mua mì tươi và các loại hoa màu khác, cuộc sống của bà con khấm khá hơn trước. Xã Cư Kbang có 98% là đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào lập nghiệp.

Trước đây nạn tảo hôn rất nhức nhối, chủ yếu ở các thôn người dân tộc Mông di cư vào. Thôn 15 được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chọn để triển khai xây dựng mô hình điểm về “Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Theo chị Dung, từ khi tuyên truyền qua mô hình, người dân hiểu và nhận thức rõ, đến nay tình trạng này trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động.

Dừng trước ngôi nhà gỗ nhỏ của chị Thào Thị Lý (SN 2000), chị Dung nói, ở đây, nhiều hộ gia đình hai, ba thế hệ sống cùng một nhà. Nhà nào rẫy ít thì con cái đi vào miền Nam làm công nhân, đa số phụ nữ ở nhà làm rẫy. Trước hiên nhà, Lý đang chơi cùng 2 đứa con, mẹ chồng đang tỉ mẩn thêu mũ cho gia đình. Mong manh trong chiếc áo cộc, Lý kể, 8 tuổi Lý nghỉ học rồi cùng bố mẹ từ Cao Bằng vào xã này.

Vào đây, Lý đi học lại nhưng vì lớn hơn các bạn cùng lớp nên cô thấy xấu hổ, học đến lớp 5 thì nghỉ. “Lúc đó bố mẹ khuyên mình đi học, nhưng mình ngại các bạn nên nghỉ ở nhà phụ làm rẫy rồi lấy chồng. Có 1 trai 1 gái rồi, vợ chồng mình thống nhất dừng sinh và lo làm ăn, nuôi con ăn học. Ở đây, các cặp vợ chồng trẻ 5 giờ sáng dậy đi cắt cỏ cho trâu bò, 7 giờ về ăn sáng rồi đi rẫy đến chiều tối mới về. Sau ngày dài lao động cực nhọc về nhà, ăn xong là ngủ”, Lý nói.

Lời ru buồn đến bao giờ

Những dấu lặng miền sơn cước- Kỳ 1: Vợ chồng trẻ con ảnh 2

Những đứa trẻ xã Cư Kbang

Mới 16 tuổi, Lý Thị D (xã Hoà Phong, huyện Krông Bông) vừa lấy chồng được mấy tháng. Mọi thứ với D còn rất bỡ ngỡ, chưa hiểu rõ về sức khỏe sinh sản, đã sắp gánh trên vai trách nhiệm làm mẹ. Theo lời D, gia đình đông anh em, kinh tế khó khăn nên cô phải nghỉ học sớm phụ giúp bố mẹ.

“Sau một thời gian ngắn quen biết và yêu đương, em mang thai nên được gia đình chồng đón về ở chung. Cuộc sống vợ chồng phụ thuộc vào bố mẹ chồng. Gia đình chồng cùng gia cảnh như nhà em, điều kiện kinh tế rất khó khăn. Không biết đến khi sinh con lấy gì nuôi, em thấy tương lai mờ mịt quá”, D ngậm ngùi.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Thái Thanh Sơn cho biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hằng năm địa phương đều phối hợp với Phòng Dân tộc huyện trực tiếp xuống các thôn, buôn tuyên truyền, vận động người dân. Có nhiều cặp vợ chồng ra UBND xã vừa đăng ký kết hôn, vừa làm thủ tục đăng ký khai sinh cho 2–3 con, thậm chí có trường hợp đăng ký khai sinh cho 5 con cùng lúc. Xã vận động, hỗ trợ người dân tích cực phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Đồng bào Mông di cư từ phía Bắc vào sinh sống và lập nghiệp ở xã Hòa Phong từ những năm 1998, sống tập trung ở thôn Ea Khiêm và thôn Noh Prông, với 555 hộ và hơn 3.000 khẩu. Người dân nơi đây vẫn còn quan niệm con lấy vợ, lấy chồng sớm để gia đình có thêm người làm nương rẫy.

Chỉ mới 19 tuổi nhưng Đào Thị Ch (thôn Noh Prông) đã làm mẹ của hai đứa trẻ. “Lấy nhau sớm vất vả lắm nhưng lỡ rồi chỉ biết động viên, cùng nhau cố gắng chăm lo cho con cái. Con lớn của em đã đủ tuổi đến trường nhưng vẫn chưa được đi học vì đến nay vợ chồng em chưa làm được thủ tục đăng ký kết hôn, hai con vẫn chưa có giấy khai sinh”, Ch tâm sự.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, học đến lớp 5 thì Ch nghỉ học, ở nhà làm nương rẫy cho bố mẹ. Năm 16 tuổi, Ch lấy chồng và về sống chung với gia đình chồng đến bây giờ. Mọi thứ dựa hoàn toàn vào bố mẹ chồng nên cuộc sống vợ chồng cô tằn tiện từng chút.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Hào hứng tham gia chương trình truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em. Ảnh: Duy Chiến

Sôi nổi chiến dịch truyền thông kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em Lạng Sơn

TPO - Sáng 12/12, Tỉnh Đoàn phối hợp với các sở ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn tổ chức chiến dịch truyền thông kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và trên 300 học sinh đại diện cho hơn 204 nghìn trẻ em toàn tỉnh.
Việt Nam sắp diễn ra Hội thảo ASEAN - Nhật Bản về bình đẳng giới

Việt Nam sắp diễn ra Hội thảo ASEAN - Nhật Bản về bình đẳng giới

TPO - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ra thông báo Hội thảo ASEAN - Nhật Bản về bình đẳng giới với chủ đề “Tiếp cận toàn diện về bình đẳng giới trong và thông qua thể thao” (Comprehensive approach for gender equality in and through sports) sẽ diễn ra từ ngày 9 - 12/1/2024 tại Hà Nội.
Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

TPO - Tại buổi Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, nhiều tiểu phẩm đặc sắc, nhiều sáng kiến hay, nhiểu hoạt động thu hút.., đã giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.
Tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

TPO - Ngày 4/12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Chương trình Tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.