Những chuyến ly hương, Kỳ cuối: Tiến thoái lưỡng nan

0:00 / 0:00
0:00
Bữa cơm chan mì tôm của 3 mẹ con Xồng Y Pà
Bữa cơm chan mì tôm của 3 mẹ con Xồng Y Pà
TP - Những công dân trở về quê tránh dịch đối mặt nhiều vấn đề khó khăn về việc làm, thu nhập… An cư cho người hồi hương là câu chuyện không mấy dễ dàng của các cấp chính quyền và chính người trong cuộc. Nhiều lao động rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, ở lại quê nhà hay tiếp tục ly hương?

Nếu dịch hết, sẽ lại “Nam tiến”

Quá trưa, trong căn nhà sàn xập xệ, chị Xồng Y Pà (SN 1998, ở bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) mới bắt đầu nhóm lửa đun nước để pha gói mì tôm còn sót lại nơi góc bếp làm canh chan với cơm trắng. “Gạo, mì được hỗ trợ hôm đi cách ly, giờ còn ít mang ra nấu ăn thôi”, Pà vừa dứt lời, từ xa, hai đứa nhỏ khuôn mặt nhem nhuốc hăm hở chạy vào. Chẳng kịp đợi canh nguội, cô bé hơn 3 tuổi đã bưng bát “cơm mì” lên ăn ngon lành. Trong khi cậu em út mới 1 tuổi lại quấy khóc vì phải chờ mẹ thổi nguội. Ăn xong, hai đứa con chạy đi chơi, trên mâm chỉ còn sót lại một ít cơm và nước mì, Pà không ăn mà đem cất cho chồng đang đi chăn bò và đứa con 6 tuổi đi học chưa về.

Pà kể, cô cùng chồng Lầu Bá Dờ (SN 1992) vào Bình Dương làm công nhân từ đầu tháng 3 năm nay. Trước lúc đi, cô phải gửi 3 đứa con nhỏ cho người bác gần nhà trông coi, chăm sóc. Vào “miền đất hứa” được hơn 3 tháng, dịch COVID-19 khiến hai vợ chồng thất nghiệp. Tiền ăn, tiền thuê trọ và các chi phí khác khiến cả hai không thể cầm cự, họ quyết định đi xe máy về quê tránh dịch. “Suốt 4 ngày 3 đêm bọn em đi xe máy, mệt thì nghỉ tạm bên đường, đói thì ăn tạm chiếc bánh mỳ và uống chai nước. Trên đường gặp xe biển số 37 thì nhập đoàn rồi chạy”, Pà nhớ lại.

Sau khi hết thời gian cách ly theo quy định, vợ chồng Pà trở về nhà nhưng không có việc làm. Cuộc sống vốn khó khăn nay lại càng thêm cơ cực. “Nếu hết dịch, chị có muốn trở lại Bình Dương làm việc không?”, tôi hỏi. Không chần chừ, Pà đáp: “Nếu tình hình dịch bệnh ổn định trở lại, bọn em lại vào Nam làm công nhân, chứ ở nhà cũng không biết làm gì”. Theo Pà, nếu không làm tăng ca, mỗi tháng công ty trả cho em 5 triệu đồng, trừ tiền thuê trọ, ăn uống em cũng dành dụm được chút ít. Còn ở nhà ruộng nương ít, không có việc gì làm nghèo đói lại tiếp tục vây bọc...

Những chuyến ly hương, Kỳ cuối: Tiến thoái lưỡng nan ảnh 1

Hàng ngàn người đi xe máy “chạy dịch” về qua chốt cầu Bến Thủy những ngày đầu tháng 8

Chia tay mấy sào ruộng, anh Xồng Bá Định (SN 1999, trú bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) cùng vợ con khăn gói vào Đồng Nai kiếm sống. Ba năm tha hương, đồng lương ít ỏi từ công việc thợ máy, anh chỉ dám ăn tiêu tùng tiệm, còn lại chắt bóp phòng thân. Đầu tháng 4/2021, tần suất công việc ngày càng giảm dần, hơn 1 tháng sau thì nghỉ hẳn khiến cuộc sống của vợ chồng anh cùng 2 đứa con nhỏ càng thêm chật vật. “Cố gắng cầm cự” là từ anh nghĩ đến nhiều nhất trong những ngày dịch bệnh ở Đồng Nai. “Dù đã rất cố gắng nhưng chúng em không thể chần chừ được nữa, tiền tiết kiệm cũng cạn kiệt. Hai vợ chồng bàn nhau, đánh liều chạy xe máy vượt nghìn cây số về quê né dịch. Đợi khi nào dịch ổn, rồi lại vào tìm việc làm”, Định nói.

Nan giải

Thời gian qua, lượng công dân hồi hương đông đã gia tăng áp lực lên các địa phương ở Nghệ An, đặc biệt là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Áp lực trước hết là phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất làm chỗ cách ly tập trung. Hiện, Nghệ An đã trưng dụng gần 500 trường học làm khu cách ly tập trung. Để sử dụng phòng học thành điểm cách ly, chính quyền các cấp phải huy động nhiều nhân lực chuẩn bị chỗ ở an toàn, tổ chức khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường lớp. Ngoài ra khu bán trú, nhà chức năng cũng được khử khuẩn, tổ chức lại để thu xếp chỗ làm việc của các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; chuẩn bị khu vực nấu ăn phục vụ cho công dân đang cách ly và các lực lượng tham gia chống dịch.

Huyện Kỳ Sơn có hơn 30.000 công dân trong độ tuổi lao động, trong đó có 5.343 người làm việc ở trong, ngoài tỉnh trở về địa phương tránh dịch từ giữa tháng 4 đến nay. Phần lớn họ là những lao động phổ thông, làm nghề tự do. Vấn đề hậu cách ly đang là thực tế không hề đơn giản. Đó là việc số công dân hồi hương sẽ làm việc gì? Lấy thu nhập ở đâu để sống? Con cái học hành như thế nào? Chưa kể, các vấn đề xã hội khác có thể nảy sinh nếu không quản lý tốt công dân nơi cư trú.

“Công tác giải quyết việc làm cho lao động nói chung, người trở về từ các vùng dịch nói riêng gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn chưa có nhà máy, xí nghiệp nào, quỹ đất lao động sản xuất còn ít,… Chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tiến hành tổng hợp, khảo sát nhu cầu việc làm của các công dân trở về địa phương do ảnh hưởng COVID-19. Hiện, chưa thể thống kê hết được”, bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nói.

Bà Quyên cho hay, huyện cũng đã lập kế hoạch chính sách việc làm, tạo sinh kế đối với lao động hồi hương; chủ động phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh để đẩy mạnh việc dạy nghề và kết nối việc làm, đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; tăng cường hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo.

“Phương án ưu tiên là vận động lao động giữ liên lạc kết nối với đơn vị, doanh nghiệp cũ để ngay sau khi dịch được khống chế sẽ trở lại làm việc. Nếu lao động nào có nhu cầu ở lại quê thì huyện sẽ kết nối với các trung tâm dịch vụ việc làm để tạm thời bố trí việc cho họ trong nội tỉnh; phối hợp với các trường dạy nghề chuyển đổi nghề cho lao động. Huyện cũng đang huy động nguồn lực từ xã hội hóa để hỗ trợ phát triển các mô hình cây, con là thế mạnh nông, lâm của huyện; tiếp tục rà soát lại quỹ đất rừng chưa quản lý, kiến nghị tỉnh giao cho các hộ về quê quản lý, chăm sóc”, bà Quyên bày tỏ.

Rời bản làng miền núi khi chiều buông, trong tôi cứ canh cánh câu hỏi: Khi nào thì người dân vùng cao không phải tha phương vẫn sống tốt? Mô hình “nông thôn mới”, với mục tiêu xây dựng chất lượng sống ở vùng nông thôn, tuy nhiên, làm gì để tạo công ăn việc làm, “níu chân” để họ an cư lập nghiệp luôn là một bài toán khó…

Theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, từ khi dịch xảy ra đến ngày 30/8/2021, đã có khoảng 25.000 lao động Nghệ An làm ăn xa quê hồi hương, trong đó khoảng 2.500 lao động tại các tỉnh phía Bắc trong tháng 4 tháng 5 và khoảng 22.000 lao động tại các tỉnh phía Nam từ tháng 7 lại đây. Ngoại trừ 2.500 người được đón theo diện giải cứu thông qua 10 chuyến bay, số còn lại là tự về.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.