Người phù phép cho cây sáo trúc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sinh ra từ làng, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay Nguyễn Văn Mão đang sở hữu hơn 20 cửa hàng sáo trúc trên cả nước. Không những vậy, sáo trúc của anh đã có mặt ở hàng chục quốc gia trên thế giới.

Từ cậu bé thổi sáo đến nghệ nhân quốc gia

“Tôi sinh năm 1987, tuổi con Mèo nên lấy biệt danh là Mão Mèo”, Nguyễn Văn Mão hài hước. Sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Tân Kỳ, Nghệ An, ngày nhỏ, cậu bé Mão đã có một niềm say mê đặc biệt với tiếng sáo.

Năm 8 tuổi, từ sự dẫn dắt của người cha, Mão bắt đầu những bài tập vỡ lòng với cây sáo. Những thanh âm trầm bổng từ cây sáo cứ thế theo anh suốt những năm tháng tuổi trẻ. Cho tới tận bây giờ, cây sáo vẫn gắn bó với anh như một phần cuộc đời không thể tách rời.

“Ban đầu chỉ là sở thích cá nhân, rồi trở thành nghiện sáo. Đi đâu tôi cũng cầm theo cây sáo rồi tự mày mò học. Ngoài những kiến thức được truyền thụ từ cha, tôi chưa từng theo học một trường lớp dạy nhạc lý nào”, Mão hồi tưởng về những ngày tập tễnh học sáo trúc.

Người phù phép cho cây sáo trúc ảnh 1

Nguyễn Văn Mão không ngừng học hỏi, ngày đêm tâm huyết tìm tòi những mẫu mã, thiết kế độc đáo, mới lạ

Ngày còn học ở trường Đại học Sư phạm Vinh, niềm đam mê của Mão vẫn chưa có cơ hội phát triển. Hai năm sau, Mão thi đỗ vào trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ra Thủ đô, Mão có điều kiện tiếp xúc với phong trào chơi sáo của các bạn sinh viên ở các trường đại học.

Anh mạnh dạn thành lập một CLB những người chơi sáo trúc và được tín nhiệm, trở thành chủ nhiệm CLB sáo trúc miền Bắc và giờ là chủ nhiệm CLB sáo trúc Việt Nam với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn người.

“Nếu có ai đó yêu thích sáo trúc muốn thử, tôi sẵn sàng tận tình chỉ dạy, chừng nào biết chơi mới thôi. Bản thân người mới bước vào sân chơi này cũng muốn chinh phục bằng được, bằng sự háo hức và cả niềm say mê. Đó chính là điều kỳ diệu của âm nhạc nói chung và âm thanh quyến rũ từ sáo trúc nói riêng.

Tôi đến với sáo không chỉ bằng tình yêu, niềm đam mê mà còn bằng cả trách nhiệm gìn giữ nhạc cụ truyền thống dân tộc”, Mão tâm sự.

Con đường sự nghiệp với sáo trúc của Mão không hẳn là tự nhiên. “Tôi đam mê sáo và mong muốn lan tỏa niềm đam mê ấy mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là với các bạn trẻ. Cũng từ đó, tôi bắt đầu hướng dẫn và truyền lửa những xúc cảm mà tôi có được.

Tôi còn nhớ, lúc ấy, một bạn trẻ vì không có sáo để chơi nên tôi đã thử làm tặng bạn. Đó là lần đầu tôi chạm ngõ với sự nghiệp chơi và làm sáo trúc chuyên nghiệp. Dần dần, ý nghĩ khởi nghiệp với sáo trúc càng lớn dần trong tôi”.

Ban đầu, làm sáo chỉ để thỏa mãn đam mê và dành tặng cho người thân, bạn bè. Tuy nhiên, khi thấy Mão bỏ công, bỏ sức để làm ra một cây sáo, một người bạn đã góp ý: “Cậu làm sáo để tặng người ta mà không tính công thì không có giá trị”.

Lời khuyên chân thành đó chỉ cho Mão một con đường - làm ra sản phẩm là phải tạo ra giá trị để bán. Đến năm thứ 3 đại học, Mão tập tành bán sáo online.

Người phù phép cho cây sáo trúc ảnh 2

Những chiếc cup, bằng khen được Nguyễn Văn Mão trưng bày kín tủ

Đưa tiếng sáo Việt vang xa

Ngày ấy, chàng trai trẻ đã đi lùng sục khắp các vùng rừng núi để tìm nguyên liệu làm sáo. Là người cầu toàn, cẩn thận và khá khó tính nên Mão rất kén chọn, yêu cầu chất lượng cao. Trải qua những ngày tháng vất vả tìm cách sáng chế, và cả những lần bàn tay nhuốm đầy máu vì bị dao cắt, cuối cùng những cây sáo với tiếng thổi du dương hoàn hảo cũng đã ra đời.

“Để làm ra một ống sáo tốt, trước hết người làm sáo phải là người biết thổi sáo. Những ngày đầu tập làm sáo phải mất cả tháng trời, âm thanh tạo ra không chuẩn. Sau này, khi được cha hướng dẫn tôi mới biết phân chia tỉ lệ chính xác, thời gian làm sáo cũng được rút ngắn. Tất cả công đoạn đều được thực hiện hoàn toàn thủ công”, 8X cho hay.

Ban đầu số lượng sáo Mão làm ra còn ít, anh chỉ giới thiệu cho bạn bè, người thân. Khi được mọi người ủng hộ, Mão đã đăng sản phẩm sáo của mình lên các trang mạng xã hội để bán.

Thế nhưng, số lượng sáo bán ra cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Không chịu khuất phục, Mão quyết tâm tìm hướng đi khác cho những cây sáo tâm huyết của mình. Để sản phẩm của mình có chỗ đứng trên thị trường, tạo được niềm tin với người tiêu dùng, trước hết cần giúp mọi người có được những hình dung ban đầu về sản phẩm ấy.

Xuất phát từ ý tưởng đó, anh quyết định bỏ 3 năm để dạy sáo miễn phí ở tất cả các công viên trong thành phố Hà Nội. Càng ngày mọi người biết đến sáo trúc Mão Mèo càng nhiều hơn. Tiếng lành đồn xa, những cây sáo trúc chất lượng cứ làm ra đến đâu lại bán sạch đến đó.

26 tuổi, Mão đã mở được cửa hàng sáo trúc đầu tiên tại Hà Nội. Cơ sở của anh sản xuất hơn 30 loại sáo khác nhau với giá từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng một cây. Năm 2017, anh chính thức thành lập công ty Sáo trúc Mão Mèo để xuất khẩu sáo trúc trên toàn thế giới.

Từ những ngày đầu chỉ bán được một cây sáo/ngày, giờ đây thương hiệu sáo trúc Mão Mèo đã có hệ thống hơn 20 cửa hàng trên cả nước và có mặt ở hàng chục nước trên thế giới, nhiều nhất là Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản,… mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Dù đã thành công nhưng Mão vẫn không ngừng học hỏi, ngày đêm tâm huyết tìm tòi để cho ra những mẫu mã, thiết kế độc đáo, mới lạ. Ngoài ra anh vẫn thường xuyên đi giao lưu với nhiều trường học trên cả nước về sáo trúc để lan tỏa cây sáo đến nhiều người hơn nữa.

Người phù phép cho cây sáo trúc ảnh 3

Nguyễn Văn Mão được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân quốc gia trong chế tác nhạc cụ truyền thống

Nhớ lại thời điểm khó khăn nhất, Mão tâm sự: “Thời điểm COVID-19 ập đến, mọi thứ đều dừng lại hết. Xưởng ở Hà Nội, Đồng Nai,… đồng loạt dừng sản xuất, đóng cửa để chuyển về một mối là Nghệ An.

Mấy tháng ròng rã không có đầu ra, trong khi vẫn phải trả tiền điện, nhân công hàng trăm người. Tất cả đều đình trệ, toàn bộ máy móc đắp chiếu. Số lượng cửa hàng cũng bị cắt giảm”.

Khi được hỏi, ở thời điểm đó, anh có cảm thấy bi quan, Mão vui vẻ: “Bị lụt thì lút cả làng, đó là chuyện không ai mong muốn, mình phải chấp nhận”.

Sau dịch, Mão Mèo có những bước đi cẩn trọng hơn. Anh tiếp tục nghiên cứu, làm các sản phẩm khác từ tre. “Tre là biểu tượng của Việt Nam. Tôi mong muốn có thể khai thác hết được tiềm năng của cây tre, đưa tre Việt vươn xa trên thế giới”, chàng trai trẻ bộc bạch.

Được mệnh danh là “người phù phép cho cây sáo trúc”, Nguyễn Văn Mão được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân quốc gia trong chế tác nhạc cụ truyền thống, là nghệ nhân trẻ nhất nước nhận danh hiệu này. Ngoài sở hữu 2 Kỷ lục Guinness Việt Nam (2013, 2018), anh còn thành lập hàng trăm CLB sáo trúc trong và ngoài nước, mang tiếng sáo trúc bay xa, góp phần bảo tồn và phát huy nhạc cụ dân tộc.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.