Học tỳ bà vì không có tiền mua piano
Nghệ sĩ tỳ bà Nghiêm Thu (còn được gọi là Thu Nghiêm) tên thật là Nghiêm Thị Thu, quê Hà Nội. Cô sinh ra lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Nghệ sĩ Nghiêm Thu kể: “Ông nội tôi chơi và dạy đàn bầu từ thời Pháp thuộc. Ông tôi từng có vinh dự đánh đàn bầu cho Bác Hồ nghe”.
Bố của Nghiêm Thu là nghệ sĩ Nghiêm Xuân Quý. Ông cũng đi theo con đường âm nhạc, nguyên Hiệu phó trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, làm công tác chuyên môn trong các đoàn nghệ thuật (Phó đoàn Tổng cục Chính trị, Phó đoàn chèo…).
Khi Thu Nghiêm còn bé, người bố nghệ sĩ nói: “Con gái đi học nhạc cho nó lành, đi học nhạc có gạo và tem phiếu”. Nghiêm Thu thi vào Nhạc viện, ngay năm đầu tiên cô đã đậu nhưng không được nhận, chỉ vì cô là người Hà Nội. Nghệ sĩ kể: “Chẳng hiểu sao những năm 1980, người ta lại ưu tiên tuyển sinh các tỉnh vào nhạc viện chứ thí sinh Hà Nội rất ít chỉ tiêu. Tôi phải chuyển hộ khẩu lên tỉnh Hà Sơn Bình (cũ), quê mẹ. Thế là năm sau, năm 1985 tôi trúng tuyển vào Nhạc viện Hà Nội với tư cách thi sinh tỉnh Hà Sơn Bình”.
Trường thông báo cháu Nghiêm Thị Thu đã đậu vào chuyên ngành piano. Gia đình choáng váng, vội vã lên gặp nhà trường và nói: “Nhà chúng tôi nghèo quá, không có tiền mua đàn piano nên xin trường chuyển sang khoa khác, khoa nào cũng được”. Các cô giáo trong trường bảo: “Cháu nom xinh xắn, nên cho vào khoa dân tộc, học đàn tỳ bà”.
Đàn không có dây
“Thời chúng tôi học thì đàn tỳ bà hầu như không xuất hiện trong các dàn nhạc, phần vì nhạc cụ này trước kia thường dùng trong âm nhạc của triều đình, ngoài dân gian rất ít, phần nữa vì nhạc cụ này chơi không theo hệ thống ký âm phương Tây nên dàn nhạc rất ít sử dụng” – Nghệ sĩ Thu Nghiêm tâm sự.
Theo nghệ sĩ Vĩnh Tuấn, một nghệ sĩ tỳ bà kỳ cựu ở Huế thì đàn tỳ bà còn có tên gọi khác là “cầm vương”, đàn của nhà vua. Cây đàn này thường dùng trình tấu trong nhã nhạc cung đình. Trong các ban nhạc dân dã rất hiếm khi thấy đàn tỳ bà.
Nghệ sĩ Mai Phương là nữ nghệ sĩ tỳ bà đầu tiên của Hà Nội. Nghệ sĩ nhân dân Mai Phương vừa là cô giáo vừa là người truyền cảm hứng cho cô học trò bé nhỏ tại nhạc viện. Bà nói với trò của mình: “Cây đàn này rất hay, cô trò chúng ta cần khám phá, biểu diễn và giữ gìn nó cho mai sau”.
Cây đàn tỳ bà vốn sử dụng dây tơ, làm từ lông đuôi ngựa, xe mật ong. Thời khó khăn, mua bộ dây bằng cả gia tài người sinh viên. Nghệ sĩ Nghiêm Thu nhớ lại: “Cô Mai Phương bảo: Đàn không có dây thì sao dạy và học? Hay là thử thay dây ghi ta vào được không? Rồi cô tôi đi mua dây đàn ghi ta lắp vào, thấy cũng chơi được. Tôi học đàn tỳ bà bằng dây đàn ghi ta”.
Duyên và nghiệp
15 năm học đàn tỳ bà tại Nhạc viện Hà Nội, đó là cả một thời thanh xuân của người sinh viên âm nhạc với cây đàn quý hiếm, rất ít người biết, ít người chơi. Những bản nhạc dành cho đàn tỳ bà không nhiều, phần lớn là bài bản cổ. Băng đĩa, tài liệu cũng rất ít.
Tốt nghiệp ra trường, trong khi các bạn khác dễ dàng tìm công việc cho mình, nổi tiếng với các chương trình biểu diễn trên ti vi, trên sàn diễn thì những nghệ sĩ theo dòng nhạc dân tộc nói chung, đặc biệt nghệ sĩ chơi tỳ bà rất khó tìm việc làm. Nghệ sĩ Nghiêm Thu đứng trước nhiều ngã rẽ: “Tôi thấy cây đàn tỳ bà không thể nuôi sống tôi, mà tôi lại còn phải nuôi con nữa. Thế là mấy lần tôi bỏ đàn tỳ bà để đi kinh doanh, đi học nghề kế toán. Nhưng rồi, nỗi nhớ cây đàn lại kéo tôi trở về với âm nhạc. Tôi cảm thấy ngoài cây đàn tỳ bà ra, đời tôi không còn một ý nghĩa nào nữa!”.
Nghiêm Thu thành lập ban nhạc Cỏ Lạ, nơi các nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc có thể sáng tạo, chơi nhạc theo cách hoàn toàn mới: “Trước đây các nghệ sĩ nhạc dân tộc chỉ ngồi ghế để chơi nhạc thôi, nhưng ban nhạc chúng tôi đứng và biểu diễn như nghệ sĩ nhạc rock. Khán giả trẻ rất yêu thích, nhưng nhiều người bảo thủ lên án chúng tôi đang phá nhạc dân tộc. Nhiều người còn nói rằng không thể để nghệ sĩ chơi đàn tỳ bà mặc áo dài mà lại khoét nách, nhảy múa trên sân khấu như choi choi thế được”.
Nghệ sĩ Nghiêm Thu biểu diễn tỳ bà với dàn nhạc giao hưởng Ảnh: Tư liệu nghệ sĩ |
Nhóm Cỏ Lạ biểu diễn tại sân khấu Lan Anh (TPHCM) gây tiếng vang lớn và từ đó họ liên tục nhận được lời mời trong Nam ngoài Bắc.
Nghệ sĩ, đạo diễn Chu Thúy Quỳnh rất ủng hộ những cách biểu diễn âm nhạc dân tộc theo phong cách trẻ trung, kết hợp nhạc cụ dân tộc với múa. Tuổi trẻ luôn muốn sáng tạo và ủng hộ cái mới song không ít người khác lại dị ứng với việc Nghiêm Thu sử dụng đàn tỳ bà để chơi nhạc Trịnh Công Sơn –phần biểu diễn giờ đây mang thương hiệu của bà.
Bản sắc Việt Nam
Một cuộc tranh luận tưởng không có hồi kết về nguồn gốc cây đàn tỳ bà. Rất nhiều người cho rằng đây là cây đàn Trung Quốc, vì nó xuất hiện nhiều trong điện ảnh cổ trang Trung Quốc.
Nghệ sĩ Nghiêm Thu nói với phóng viên: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, đàn tỳ bà vốn từ Ba Tư vào Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… Do người Trung Quốc đưa hình ảnh tỳ bà - họ gọi là đàn pipa - vào phim và game nhiều làm cho người ta nghĩ đó là đàn Trung Quốc”.
Nghệ sĩ Nghiêm Thu biểu diễn với các em nhỏ |
Theo nghệ sĩ, cây đàn tỳ bà Việt Nam dùng để chuyển tải những nét âm nhạc mềm mại, tình cảm, sâu lắng của các miền Bắc – Trung - Nam, các dân tộc khác nhau trên đất nước Việt Nam. Do đó cây đàn tỳ bà Việt có cấu trúc khác với đàn Trung Quốc. Bà cho biết: “Đàn pipa Trung Quốc sử dụng dây sắt, nhiều phím, dùng chơi nhanh, phù hợp những bài hoành tráng. Đàn tỳ bà Việt Nam thì dùng dây cước dây tơ, phím thưa hơn, phù hợp tác phẩm nhiều chất tự sự, cảm xúc, cung bậc khác nhau”.
Mới đây, dư luận “dậy sóng” khi trong một cuộc thi nhạc cụ dân tộc truyền thống Việt Nam trên truyền hình thì thí sinh ôm đàn pipa Trung Quốc để trình tấu. Đại diện đài truyền hình gọi điện cho nghệ sĩ Nghiêm Thu để xác minh. Nghệ sĩ đã xác nhận đó là… đàn pipa của Trung Quốc.
Đưa cây đàn tỳ bà đến với tuổi trẻ
Nghệ sĩ Nghiêm Thu nhiều năm giảng dạy đàn tỳ bà tại Hà Nội. Từ năm 2017 tới nay, nghệ sĩ chuyển vào công tác tại Nhạc viện TPHCM. Tại đây, bà tiếp tục giảng dạy nhiều sinh viên, đồng thời sáng lập nhóm Tỳ Việt, với rất nhiều bạn trẻ tham gia biểu diễn đàn tỳ bà. Hình ảnh các nữ nghệ sĩ tỳ bà trẻ măng biểu diễn tại phố đi bộ, biểu diễn trên bến Bạch Đằng và trên các chương trình truyền hình đã trở thành một nét mới trong đời sống âm nhạc tại TPHCM.
“TPHCM rất thích cái mới, nhiều sức trẻ. Tôi cũng muốn trẻ hóa cây đàn tỳ bà với nhiều tác phẩm hiện đại. Có năm Nhạc viện TPHCM tuyển sinh tới 4 sinh viên tỳ bà. Ngoài ra rất nhiều bạn trẻ học đàn qua internet, kể cả Việt kiều. Tôi cảm thấy chưa bao giờ mọi người lại quan tâm đến cây đàn tỳ bà Việt Nam như lúc này” – Nghệ sĩ vui vẻ chia sẻ.
Ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ đến với cây đàn tỳ bà Việt Nam. |
Mới đây, lần đầu tiên, nghệ sĩ Nghiêm Thu đã kết hợp cây đàn tỳ bà với dàn nhạc giao hưởng (trình bày liên khúc dân ca Quan họ) tại TPHCM. Sự kiện gây tiếng vang rất lớn trong người yêu nhạc. Nghệ sĩ Nghiêm Thu cũng trình bày các tác phẩm tỳ bà trong chương trình âm nhạc biểu diễn thời trang quy mô, tạo ấn tượng mạnh mẽ.
Rất ít người biết phía sau ánh sân khấu hào quang và những chương trình biểu diễn đàn tỳ bà làm ngây ngất người xem, nghệ sĩ Nghiêm Thu vẫn thường nhường cát xê của mình cho các sinh viên và đồng nghiệp chơi đàn tỳ bà trẻ tuổi, dù bà nhiều năm ở nhà thuê.
“Em chân thành cảm ơn cô đã gieo duyên cho mọi người thêm niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc Việt Nam!” - bạn Đăng Khai đã viết như vậy về nghệ sĩ Nghiêm Thu.
Coi học trò như con đẻ
Nghệ sĩ, giảng viên nhạc viện TPHCM Đào Minh Pha nhận xét về đồng nghiệp Nghiêm Thu: “Nghệ sĩ, giảng viên Nghiêm Thu là người đam mê nghệ thuật, khi biểu diễn thì như lên đồng đốt cháy sân khấu, khi giảng dạy thì coi học trò như con đẻ”.
Sinh viên Hoàn Trân xúc động: “Từ những ngày con được gọi một tiếng “cô”, con càng thương cô thật nhiều. Bởi lẽ, để dìu dắt một đứa con cứng đầu đầy thiếu sót như con, trao cho con thật nhiều tâm huyết, chắc hẳn, cô đã phải tốn rất nhiều tâm sức”.
Còn Minh Nghĩa - sinh viên nhạc viện TPHCM thì kể: “Mới ngày đầu được gặp cô, cô rất "cá tính và lạnh lùng" đi kèm với chất giọng miền Bắc vang vang của cô. Thế nhưng, sau vài buổi học cô lại là người rất ân cần và không "lạnh lùng" đến phát sợ như lúc đầu đâu ạ! Chính cô cũng cho em thử sức với cây đàn tỳ bà nhiều hơn, được bước đi cùng cô và nhóm Tỳ Việt...”.
9/2022