Tại Hội nghị, đại biểu được các báo cáo viên truyền đạt 2 chuyên đề: Khái quát đặc điểm các dân tộc Việt Nam, một số kết quả thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua và những vấn đề cần chú ý trong phòng ngừa, xử lý, giải quyết điểm nóng về vấn đề dân tộc; Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Các đại biểu tham dự tập huấn. |
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc cùng sinh sống, quy mô dân số của từng dân tộc không đồng đều, có một số dân tộc rất ít người. Trong đó, riêng Đắk Lắk có 49 dân tộc, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 30% dân số của tỉnh. Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, lôi kéo đồng bào vào các hoạt động gây mất an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đe dọa sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển. Hệ thống chính sách, pháp luật về vấn đề dân tộc và công tác công tác ngày càng hoàn thiện nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, quan tâm giáo dục, đào tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống… nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với vấn đề tôn giáo, Đảng nhất quán quan điểm: Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức, tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ; đấu tranh chống các hành vi lợi dụng các vấn đề dân tộc và tôn giáo.
Thông qua hội nghị tập huấn giúp các đại biểu, nhất là đội ngũ tuyên truyền cơ sở nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, nắm bắt, bổ sung kỹ năng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo đến với đồng bào; nhận diện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc vi phạm pháp luật, đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.