TPO - Trù Sơn là làng nghề làm nồi đất duy nhất ở Nghệ An. Những ngày này, người dân "làng nồi đất" bắt đầu nhộn nhịp đốt lò để chuẩn bị hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Clip: Làm nồi đất ở làng nghề Trù Sơn.
Nghề làm nồi đất ở Trù Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) có từ lâu đời, bền bỉ qua thăng trầm. Còn vài tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song người dân nơi đây đã bắt đầu nhộn nhịp đốt lò làm nồi để phục vụ thị trường Tết.
Các sản phẩm của làng Trù Sơn cũng rất đa dạng, phong phú với hơn 30 loại, từ nồi to nấu nước, nồi vừa nấu cơm, nồi nhỏ kho thịt, cá… đến các loại chảo, siêu sắc thuốc.
Để làm nồi, khâu chọn đất rất quan trọng. Đất được người dân tuyển chọn ở xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) hoặc xã Sơn Thành (huyện Yên Thành).
Đất sau khi lấy về được xén nhỏ rồi nhồi nhuyễn. Khi đạt yêu cầu, người thợ cho lên bàn xoay để tạo hình sản phẩm. Các khâu tạo hình đều bằng bàn tay khéo léo, điêu luyện của người thợ nơi đây.
Khâu cuối cùng là nung. Thường lò nung cao khoảng hơn 1m, rộng 2m. Tùy kích thước từng sản phẩm mà lò có thể nung từ 300-700 sản phẩm.
Ngoài rơm rạ, người dân Trù Sơn cùng dùng lá thông, bạch đàn hay lá tràm để đốt nồi. Mỗi loại lá sẽ tạo một màu riêng cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Thanh (63 tuổi) cho biết, thời điểm này, mỗi tuần gia đình ông làm khoảng 800 loại nồi. Mỗi sản phẩm có giá 10.000 đồng. Càng giáp Tết, số lượng càng tăng, lò nung của ông cũng phải đỏ lửa liên tục để phục vụ thị trường.
Những sản phẩm hoàn chỉnh. Những chiếc nồi đất của làng Trù Sơn mộc mạc, tuy rất nhẹ và mỏng nhưng lại có độ cứng và bền cao.
Bà Phạm Thị Hoàng (81 tuổi) người được xem là “nghệ nhân” cao tuổi nhất ở Trù Sơn cho biết, xưa kia, hầu như mỗi người dân Trù Sơn đều biết làm nồi đất. Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, nhiều hộ chuyển sang nghề khác.