Đời du mục, 'bỏ nhà' theo đàn ong lấy mật

TPO - Đến mùa hoa, những người làm nghề nuôi ong “du mục” lại di chuyển đàn ong của mình rong ruổi qua những cánh rừng để lấy mật. Hết mùa, họ lại di cư đàn ong đi tìm mảnh đất mới.
Đời du mục, 'bỏ nhà' theo đàn ong lấy mật ảnh 1

Từ khoảng tháng 4 - 10 hàng năm, đi dọc rừng keo ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn…(Nghệ An) không khó để bắt gặp những hộ đang nuôi ong lấy mật dưới tán rừng.

Đời du mục, 'bỏ nhà' theo đàn ong lấy mật ảnh 2

Hàng trăm thùng nuôi ong được xếp ngay ngắn dưới tán cây keo. Phần lớn những người nuôi ong di cư này, đều đến từ các tỉnh phía Nam.

Đời du mục, 'bỏ nhà' theo đàn ong lấy mật ảnh 3

Hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi ong di cư, chị Nguyễn Thị Tuyết (50 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Nai) cho biết, đã chuyển đến rừng keo ở xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương) được vài tháng nay. Mỗi lần kiểm tra thùng ong, chị Tuyết đều phải hun khói để không bị ong đốt.

Đời du mục, 'bỏ nhà' theo đàn ong lấy mật ảnh 4

Làm nghề nuôi ong di cư, chị Tuyết sống tạm bợ trong những túp lều xiêu vẹo dựng dưới cánh rừng. Chị bảo: “Nhiều lúc nghĩ cũng tủi. Cuộc sống cứ nay đây, mai đó. Mỗi lúc mưa gió, ở một mình giữa rừng lại nhớ gia đình. Nhưng vì cuộc sống nên phải gắng gượng”.

Đời du mục, 'bỏ nhà' theo đàn ong lấy mật ảnh 5

Theo chị Tuyết, mùa nào hoa nấy, nên một năm chị phải di chuyển đàn ong ít nhất 3 lần. Khi rừng keo ở Nghệ An không còn hoa để đàn ong hút mật, chị Tuyết lại phải thuê xe tải bốc 300 thùng nuôi ong di chuyển vào Bình Phước, để tiếp tục nuôi dưới tán rừng cao su… Bởi thế túp lều làm nơi ăn, ngủ của chị cũng được dựng đơn giản nhất có thể.

Đời du mục, 'bỏ nhà' theo đàn ong lấy mật ảnh 6

Mỗi thùng nuôi ong đều được thiết kế một cửa nhỏ để ong ra vào.

Đời du mục, 'bỏ nhà' theo đàn ong lấy mật ảnh 7

Ngoài mật của cây keo, chủ nuôi ong còn dùng bột đậu nành để làm thức ăn bổ sung cho ong.

Đời du mục, 'bỏ nhà' theo đàn ong lấy mật ảnh 8

Giống ong nuôi có nguồn gốc từ Italia. Chu kỳ lấy mật phụ thuộc theo thời tiết, thường kéo dài 10 - 15 ngày. Với 300 thùng nuôi ong, mỗi lần chị Tuyết có thể thu được hơn 700 lít mật. Đại diện công ty sẽ đến tận nơi thu mua sỉ với giá hơn 20.000 đồng/ lít, còn bán lẻ cho người dân sẽ có mức giá hơn 50.000 đồng/lít.

Đời du mục, 'bỏ nhà' theo đàn ong lấy mật ảnh 9

Anh Phạm Quang Phố (29 tuổi, TP. Phan Thiết, Bình Thuận) cho biết, cả thanh xuân của anh là những chuỗi ngày đi theo đàn ong, sống cô độc giữa rừng. Mỗi năm, số ngày anh về quê sống bên cạnh gia đình cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đời du mục, 'bỏ nhà' theo đàn ong lấy mật ảnh 10

Theo anh Phố, khó khăn nhất của nghề này là người dân không hiểu rõ ong là loài có lợi cho quá trình thụ phấn. Không ít lần anh chứng kiến người dân địa phương đến đập phá các trại ong vì cho rằng ong phá lúa, hoa màu.

Tin liên quan