Hồng Ngài là một xã thuộc vùng 3, đặc biệt khó khăn của Sơn La, với hơn 95% người đồng bào dân tộc thiểu số. Một số hộ bị cái nghèo bủa vây khi nhà đông con cùng với hàng loạt hủ tục khiến đời sống nhiều đứa trẻ lay lắt những mùa no đói.
Trong khi người lớn bận nương rẫy, kiếm kế sinh nhai, những đứa trẻ ở xã Hồng Ngài thay nhau trở thành trụ cột của gia đình. Bé Giàng Thị Chi (12 tuổi) một nách chăm 4 đứa em nhỏ, vừa cơm nước, vừa nuôi bò - chăn dê. Mỗi ngày, đôi chân của hai chị em Chi phải vượt qua vài quả đồi từ sáng sớm tinh mơ để kịp giờ đến trường. Dù học lớp 6, nhưng em nặng vỏn vẹn có 27kg. Em gái Chi, học lớp 4 cũng chỉ suýt soát 20kg.
Ông Sùng A Dinh (56 tuổi) là ông nội, ông ngoại của 10 đứa trẻ. 7 người con đi làm xa, đám trẻ nương tựa vào ông bà, lẽo đẽo đi khắp cùng rừng cuối núi kiếm củ nâu, củ mài thay cơm.
Những hoàn cảnh như bé Chi, ông Dinh rất phổ biến tại Hồng Ngài. Qua lời kể của thầy cô bám bản, bữa ăn của trẻ em nơi đây hầu hết đều là cơm trắng, thịnh soạn lắm mới có thêm vài miếng măng ngâm ớt. Một năm chỉ đôi ba lần có thịt, cá vào những dịp lễ Tết đặc biệt. Để thực hiện giấc mơ đeo đuổi con chữ, nhiều em phải đi bộ đến 20-30km và đều là đường rừng, băng qua núi.
Suy dinh dưỡng, thấp còi đeo bám trẻ em
Không được chăm sóc đầy đủ khiến nhiều trẻ em vùng cao Sơn La suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng trầm trọng. PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý, Chủ nhiệm bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Chiều cao, cân nặng nhiều trẻ không đạt chuẩn, da xanh xao, thiếu sắt, thiếu vitamin C, D. Thậm chí có trẻ 9 tuổi mà cân nặng chỉ bằng đứa trẻ 2 tuổi”.
Đồng quan điểm, ThS. Doãn Thị Tường Vi, Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng nhận định, trẻ suy dinh dưỡng tại vùng cao như Hồng Ngài vẫn chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù qua một khám bệnh chưa được thống kê đầy đủ, song đáng ngại nhất là suy dinh dưỡng thấp còi. Đây là tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài gây ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc toàn diện của trẻ.
Bác sĩ khám bệnh cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số. |
Ngoài vấn đề dinh dưỡng, trẻ em ở đây còn gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác như viêm mũi họng, amidan mủ, táo bón, gù vẹo cột sống. Trong khi đó, trẻ lớn chủ yếu gặp vấn đề về răng miệng, sâu răng, bệnh ghẻ do vệ sinh chưa đúng cách.
Bên cạnh khám tại điểm trường, BS Dương Minh Tuấn còn vào tận bản để thăm khám cho những hoàn cảnh khó khăn khi đi lại. Bác sĩ Tuấn chia sẻ: “Ở đây, nhiều gia đình không có điều kiện, các bé đều ở rất sâu và xa. Vì vậy, việc tẩy giun và uống vitamin A không thường xuyên, phụ huynh cũng ít có thời gian dành cho con nên trẻ đa phần vui chơi dưới đất bẩn dẫn đến nguy cơ mắc rất nhiều bệnh”.
Do đó, đoàn y bác sĩ đều kỳ vọng, bà con sẽ có cơ hội tiếp cận với y tế cũng như được phổ cập các kiến thức chăm sóc cơ bản nhiều hơn, để tự chăm sóc bản thân và gia đình.
Nối dài hành trình thiện nguyện
Như những chuyến đi trước, lần này, đoàn thiện nguyện cũng trao tặng 3 phần quà đặc biệt, mỗi hoàn cảnh 1 triệu đồng tiền mặt và rất nhiều phần quà giá trị. Trung úy Dương Hải Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Sơn La nhìn nhận, đây là lần đầu tiên xã Hồng Ngài đón đoàn y bác sĩ về thăm khám cho bà con, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với y tế, các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm, nên vô cùng trân quý.
“Tôi nhận thấy rằng đó là một sự chia sẻ rất lớn đối với cộng đồng, rất quan tâm đến vùng cao”, Trung úy Dương Hải Anh nói.
Đoàn thiện nguyện tặng quà cùng tiền mặt cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn |
Ông Nguyễn Đăng Nhật, đại diện Công ty Dược phẩm Delap, đơn vị đồng hành tài trợ bày tỏ, những hành trình thiện nguyện vẫn sẽ tiếp nối trong tương lai, đặc biệt là đến với các em nhỏ, với kỳ vọng trao cơ hội để trẻ được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Năm 2023, khép lại hành trình tại 6 tỉnh Tây Ninh, Sóc Trăng và Đắk Nông, Nghệ An, Hà Giang và Sơn La, chương trình đã thăm khám, phát thuốc - tặng quà cho 4.850 trẻ em. Đồng thời còn trao tặng cho 18 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mỗi em 1 triệu đồng cùng nhiều phần quà có giá trị.