Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các đội trình diễn cồng chiêng không biểu diễn trực tiếp mà ghi lại thành 1 video clip gửi về Ban Tổ chức liên hoan để lựa chọn, đánh giá. Ban Tổ chức Hội thi đã nhận được 13 video clip dự thi của các Huyện đoàn, Thị đoàn, Thành đoàn với hơn 400 đoàn viên, thanh niên tham gia trình diễn.
Theo quy định của Ban Tổ chức, mỗi video clip có thời lượng tối đa 15 phút gồm 2 phần: giới thiệu ngắn gọn về đơn vị tham gia liên hoan, tên tiết mục, ý nghĩa và trình diễn cồng chiêng. Các đội giới thiệu những hoạt động đời thường của đồng bào dân tộc thiểu số như: dệt thổ cẩm, giã gạo, đan gùi… thể hiện không khí lao động và khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Những lễ thức cầu mùa, nghi lễ trưởng thành, mừng lúa mới, mừng chiến thắng, lễ bỏ mả… được tái hiện sinh động, khi trầm lắng, khi rộn rã vui tươi. Những cô gái trong trang phục truyền thống sặc sỡ với nhịp xoang lúc khỏe khoắn, lúc khoan thai nhịp nhàng hòa điệu cùng tiếng chiêng để làm nên những màn trình diễn vô cùng đặc sắc, ấn tượng.
Để có các tiết mục xuất sắc là cả một quá trình tập luyện, học hỏi từ nhiều nghệ nhân giàu kinh nghiệm trong mỗi buôn làng. Qua các tác phẩm dự thi có thể thấy nhiều bạn nhỏ từ 5 đến 7 tuổi cũng đã biểu diễn nhuần nhuyễn những bài chiêng, điệu xoang truyền thống của dân tộc mình. Cứ như thế, những tinh hoa, nét đẹp văn hóa luôn được tiếp nối, trao truyền qua bao thế hệ. Các bạn trẻ đã trở thành sợi dây kết nối xuyên suốt của dòng chảy truyền thống ấy. Sự ngẫu hứng, say mê, phá cách của các đội chiêng đã lan toả sự phấn khích đến người xem.
Với tiêu chí “ở đâu có đồng bào dân tộc thiểu số, ở đó có thanh thiếu niên biết chơi cồng chiêng”, những năm qua, Tỉnh đoàn Gia Lai đã tổ chức 5 lần Liên hoan Cồng chiêng thanh thiếu niên toàn tỉnh. Qua đó, lan tỏa phong trào giữ gìn bản sắc văn hóa trong giới trẻ. Đặc biệt, đây cũng là một phương thức đoàn kết, tập hợp thanh niên hiệu quả đối với mỗi cơ sở đoàn.
Có thể nói, văn hóa truyền thống là tài sản, là tinh hoa của một dân tộc. Chính vì thế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là trách nhiệm không chỉ của riêng ai. Đối với giới trẻ lại càng cần chú trọng hơn nữa. Bởi đây chính là gạch nối của thời gian, của tương lai đất nước.
Dòng chảy văn hóa của người bản địa Tây Nguyên đến hôm nay đã có nhiều biến đổi. Cồng chiêng, các loại nhạc cụ, không thể sống trong không gian nguyên thủy, mà cần thay đổi để có hình thức tồn tại phù hợp hơn. Nhìn vào những nỗ lực của thế hệ trẻ, có thể lạc quan tin vào điều này: dù biến đổi nhưng những giá trị đẹp đẽ của cồng chiêng kết tinh từ hàng ngàn năm qua vẫn sẽ được gìn giữ, phát huy, tiếp tục sáng tạo những giá trị mới.