Di tích đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). |
Ngôi đền được xây dựng từ lâu đời, bên cạnh chùa Thiên Thư, trên mảnh đất vốn là nhà riêng của Thái sư Lê Văn Thịnh- một người có công lao to lớn đối với vương triều Lý. |
Đền còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật phản ánh về cuộc đời, sự nghiệp Thái sư Lê Văn Thịnh, trong đó có pho tượng “rồng đá”-được cho là liên quan nỗi oan của Thái sư Lê Văn Thịnh vào đời vua Lý Nhân Tông. Rồng đá được nhân dân địa phương phát hiện vào năm 1991 trong quá trình tu sửa đền, ẩn dưới đám cây dại ngay lối lên đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh |
Rồng đá được làm bằng đá, cao 79 cm, chiều rộng (ngang) 136 cm, chiều dài (từ trước ra sau) 103 cm |
Tượng rồng đá có hình dáng đặc biệt “nửa rồng nửa rắn” |
Rồng đá trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình” |
Với phong cách nghệ thuật độc đáo, các nhà nghiên cứu đều nhận định rồng đá được tạo tác vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) |
Rồng đá là bức thông điệp của tiền nhân gửi lại cho hậu thế về nỗi oan mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu trong vụ án Hồ Dâm Đàm vào đời vua Lý Nhân Tông (1096) |
Năm 2009, khi xây dựng lại cổng chùa và đền Thái sư Lê Văn Thịnh, người dân địa phương tiếp tục phát hiện hai khúc thân khác của tượng rồng. Một mảnh thân còn nguyên vảy và một bàn chân có 5 vuốt sắc nhọn được làm bằng đá cát sa thạch giống như chất liệu của rồng đá được thờ trong đền. |
Trong ảnh là phần đuôi của rồng đá. Năm 2013, pho tượng rồng đá được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. |
Thái sư Lê Văn Thịnh sinh năm Canh Dần (1050) ở làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Cha ông là Lê Thành, làm nghề dạy học và làm thuốc; mẹ là Trần Thị Tín ở trang Ngô Xá (nay là làng Thi Xá, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Thời Lý Nhân Tông nối nghiệp trị vì đất nước, năm Ất Mão (1075) mở khoa thi Minh Kinh bác học và Nho học Tam trường, Lê Văn Thịnh đỗ đầu, trở thành bậc khai khoa của các nhà khoa bảng nước ta. Ông làm đến chức Thái sư.
Đầu năm 1096, trong một lần đi chơi hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) với vua, do nhầm lẫn mà ông bị vu là có ý định giết vua và bị đày đi trại Thao Giang (Phú Thọ). Ít lâu sau, ông mất ở làng Đình Tổ (Bắc Ninh).