TPO - Đối với đồng bào dân tộc Dao, lễ cấp sắc là một nghi lễ truyền thống và quan trọng. Chưa trải qua lễ cấp sắc, nam giới dân tộc Dao chưa được coi là trưởng thành, không được dự họp bàn các công việc lớn của dòng họ.
|
Theo tín ngưỡng người Dao, lễ cấp sắc là một thủ tục bắt buộc đối với nam giới (có phần giống như lễ thành đinh của các dân tộc khác). Chỉ những người được cấp sắc mới được coi là trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của dòng tộc, bản làng. |
|
Lễ cấp sắc được lưu truyền từ xa xưa đến nay trong cộng đồng người Dao đỏ ở Yên Bái, thể hiện ý nghĩa nhân văn, những giá trị tinh thần cao quý, là nguồn mạch gắn kết cộng đồng. |
|
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ có nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn, 12 đèn. Mỗi bậc phản ánh một ý nghĩa và trình độ khác nhau. Trong đó, cấp sắc 12 đèn là nghi thức cao nhất. |
|
Thầy cúng trong lễ cấp sắc có thầy chính và thầy phụ. Thầy cúng chủ lễ phải là người có uy tín với người dân làng bản, am hiểu luật tục, có vai trò điều hành buổi lễ. Người được cấp sắc 12 đèn sẽ được cộng đồng trọng vọng, có đủ uy tín để đứng ra tổ chức các nghi lễ quan trọng cho bản làng. |
|
Trao đổi với Tiền Phong, anh Đặng Tòn Vảng (SN 1982, ở thôn Thượng Sơn, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên) cho biết: Sau 3 năm chuẩn bị, gia đình chủ trì tổ chức lễ cấp sắc với sự tham gia của 63 cặp vợ chồng người Dao trên địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái) và huyện Văn Bàn (Lào Cai). |
|
Theo anh Vảng, tham gia lễ cấp sắc, mỗi cặp vợ chồng đóng góp 3 triệu đồng, 1 con gà, 10 kg gạo nếp, 20 lít rượu, 100 kg gạo tẻ, và một số nhu yếu phẩm khác…. |
|
Trong suốt 4 ngày đêm diễn ra đại lễ cấp sắc, từ thầy cúng đến người thụ lễ và khách mời đều ăn chay. Phụ nữ và đàn ông phải ngồi ăn ở mâm riêng. Trước khi tiến hành buổi lễ, mọi người dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa. |
|
Trong lễ, người xin được cấp sắc phải đội mũ trên đầu và mặc trang phục truyền thống dân tộc mình. Trong lễ cấp sắc có nhiều các nghi lễ diễn ra ở trong nhà và bên ngoài nhà. |
|
Các nghi lễ đều hướng về sự hình thành, cư ngụ lâu đời, quá trình đấu tranh để tiêu diệt ma quỷ, thú dữ… bảo vệ bình yên cho bản làng, cây trồng, vật nuôi của người Dao Đỏ. |
|
Đặc biệt trong lễ cấp sắc là cấp đạo sắc cho người thụ lễ với 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Quan trọng nhất trong nghi lễ là cấp pháp danh cho người thụ lễ. |
|
Nghi lễ độc đáo và huyền ảo nhất sẽ diễn ra vào đêm thứ 3 của đại lễ. Tại đây, một khay nhỏ thắp 7 ngọn nến và một khay 12 ngọn nến được các thầy truyền qua đầu các học trò nhiều vòng, xác nhận đã đầy đủ kiến thức, đủ điều kiện để cấp sắc. |
|
Sau nghi thức đặt đèn, các thầy cúng lần lượt đóng ấn cho người được cấp sắc, chứng nhận đã hoàn thành lễ cấp sắc, là một người đàn ông trưởng thành trong gia đình. |
|
Bên cạnh các nghi thức, lễ cấp sắc còn diễn ra phần Hội với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian biểu đạt các mục đích tôn giáo, tín ngưỡng thông qua âm nhạc, thánh ca, diễn xướng, nhảy múa, trình diễn, lễ nghi, các điệu múa dân gian… phản ánh nội dung về lịch sử, văn hóa, tạo nên một sinh hoạt vui tươi, thu hút sự tham gia sôi nổi người dân các bản, làng. |
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ mang đậm giá trị nhân văn, có ý nghĩa giáo dục về truyền thống, giúp con người nhận thức đúng đắn về nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, được thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ, tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu. Nghi lễ giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Dao đỏ. Nghi lễ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 27/12/2012.
Hân Nguyễn - Văn Đức