Nỗ lực vượt khó
Hòa Bình là tỉnh miền núi có địa hình đồi núi trùng điệp. Đây là một trong số 10 tỉnh có người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43% (gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông), sống trải dài ở 145/151 xã, phường, thị trấn.
Do địa bàn miền núi phức tạp, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, các khu dân cư phân tán, đời sống kinh tế thấp, kiến thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt tại xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa khó có điều kiện tiếp cận thông tin đầy đủ, nên công tác tuyên truyền về bình đẳng giới ở Hòa Bình gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, còn hạn hẹp.
Kinh phí chi cho công tác bình đẳng giới ở một số đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt cấp xã, phường, thị trấn mới chỉ có 43/151 xã được cấp kinh phí riêng cho công tác bình đẳng giới nhưng rất thấp, còn lại 108 xã, thị trấn chưa được cấp kinh phí riêng cho lĩnh vực này. Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên biến động, 100% kiêm nhiệm nên cùng lúc phải xử lý rất nhiều công việc chính vì vậy hiệu quả còn hạn chế, chất lượng không cao.
Ảnh minh họa: Duy Phạm |
Hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới bước đầu đạt hiệu quả
Trong 6 tháng đầu năm, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đăng tải trên 65 tin, bài, ảnh về nội dung bình đẳng giới, và các nội dung liên quan thúc đẩy bình đẳng giới; phóng sự, tọa đàm về nội dung bình đẳng giới, và các nội dung liên quan mất cân bằng giới tính, đẩy mạnh tuyên truyền Luật bình đẳng giới; Bạo hành trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình, triển khai hoạt động Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2023...
Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố đã tham mưu cho UBND các huyện, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống thông tin cơ sở địa phương tuyên truyền về nội dung bình đẳng giới, nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội, đồng thời lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ và các vụ việc vi phạm về bình đẳng giới; Đài Truyền thanh cấp xã tiếp và phát sóng các chương trình truyền thanh phóng sự về nội dung bình đẳng giới, Vì sự tiến bộ của phụ nữ và các nội dung liên quan của tỉnh và của Trung ương, đồng thời lồng ghép với các hoạt động biểu diễn văn nghệ quần chúng trên địa bàn các huyện, thành phố, các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tổ dân phố, khu dân cư…
Theo báo cáo của Sở Lao Động – Thương Binh và Xã Hội về kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 về công tác bình đẳng giới; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2023-2030 cho thấy từ các hoạt động thiết thực trên, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới tại Hòa Bình đã bước đầu đạt được hiệu quả tốt.
Về chỉ tiêu phấn đấu đạt 75% vào năm 2025 dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 đã ước tính đạt 40% tiến độ.
Về chỉ tiêu từ năm 2025 trở đi 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã thực hiện tốt ước tính đạt 75% tiến độ.
Về chỉ tiêu từ năm 2025 trở đi 100% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã thực hiện tốt ước tính đạt 75% tiến độ.
Về chỉ tiêu duy trì đạt 100% Đài Truyền thanh - Truyền hình tỉnh, các huyện, thành phố; Đài Truyền thanh các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có tin, bài tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới thì trong 6 tháng đầu năm 2023, Đài Truyền hình Tỉnh ước đạt 80%; Đài Truyền hình huyện, thành phố ước đạt 75% tiến độ.
Trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước nhằm thay đổi nhận thức, hành động của người dân về bình đẳng giới. Tham gia xây dựng chính sách cán bộ nữ tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nữ vừa hoàn thành tốt chức năng xã hội vừa thực hiện tốt chức năng người mẹ, người vợ trong gia đình.