Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhằm mục tiêu thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trên cơ sở kế thừa những tinh hoa văn hóa của các thế hệ trước, làm cho giá trị của các DSVH thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội. Mở rộng giao lưu văn hóa để làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Khai thác, phát huy có hiệu quả DSVH các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phục vụ phát triển KT-XH.
Mục tiêu đến năm 2025: mo Mường trình tổ chức UNESCO ghi danh trong danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; 30% DSVH phi vật thể của các dân tộc được kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa; 50% DSVH phi vật thể trong danh mục DSVH phi vật thể quốc gia được bảo tồn, phát huy; đầu tư xây dựng 2 mô hình bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khôi phục, bảo tồn 6 lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn với xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn; 70% hiện vật, cổ vật, bảo vật tại Bảo tàng tỉnh được quản lý trên phần mềm; tiến hành số hóa để quảng bá giới thiệu trên môi trường mạng; 10% di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được quảng bá, thu hút đầu tư khai thác phục vụ phát triển du lịch…
Để triển khai thực hiện đạt được các mục tiêu, nghị quyết đưa ra một số giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc; tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức phổ biến, truyền dạy các di sản văn hóa; đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa công nghiệp văn hóa; huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 6 dân tộc chính là: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, dân tộc thiểu số chiếm trên 74% dân số. Mỗi dân tộc có những bản sắc riêng biệt, trong đời sống còn lưu giữ được những nét cơ bản về phong tục, tập quán tín ngưỡng. DSVH của đồng bào các dân tộc được lưu giữ khá đa dạng, phong phú như về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục..., tạo nên sự đa văn hóa. Nhiều lớp truyền dạy chữ Dao, Tày, Thái, Mông, trình tấu chiêng Mường, múa Mường, dân ca dân vũ... được tổ chức, nhất là cho thế hệ trẻ, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể của dân tộc trong nhân dân.
Hiện, tỉnh có tổng số 786 DSVH phi vật thể gồm: tiếng nói, chữ viết 10, ngữ văn dân gian 154, nghệ thuật trình diễn dân gian 171, tập quán xã hội 113, nghề thủ công truyền thống 26, tri thức dân gian 268. DSVH vật thể tại Bảo tàng tỉnh lưu giữ trên 18.000 hiện vật.
Về di tích, toàn tỉnh có 101 di tích được xếp hạng (41 di tích cấp quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh) và hơn 100 di tích chưa xếp hạng. Nhiều giá trị văn hóa đặc sắc được quan tâm khôi phục, phát triển như các lễ hội: chùa Tiên (Lạc Thủy), Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), đền Bờ (Cao Phong - Đà Bắc), Xên Mường, Gầu Tào (Mai Châu)…
Đây là tiềm năng lớn để khai thác, phát huy phục vụ phát triển KT-XH, nhất là trong lĩnh vực du lịch, với loại hình du lịch di sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã, đang có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thu hút du khách, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói.