Hiện thân của thanh âm đại ngàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nghệ nhân ưu tú K’Bes được ví như thanh âm rền vang giữa núi rừng. Ông có thể chơi được nhiều nhạc cụ, không chỉ của các tộc người thiểu số Tây Nguyên, dạy cồng chiêng cho hàng trăm người. Đặc biệt ông là một trong những nghệ nhân hiếm hoi biết chỉnh chiêng.
Hiện thân của thanh âm đại ngàn ảnh 1
Nghệ nhân K’Bes và đội chiêng nữ ở Lâm Hà. Ảnh: Chế Phương Nam

Giữ hồn của buôn làng bằng tiếng chiêng

Tại quảng trường trung tâm huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) vừa diễn ra Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI - 2023 với chủ đề “Sức sống đại ngàn”. Ngày hội nhằm tôn vinh di sản văn hóa cồng chiêng của các tộc người Mạ, K’Ho, M’Nông, Chu Ru, những thành tố quan trọng của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đã được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là dịp duy trì, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian như ném lao, bắn nỏ, đấu gậy, giã gạo, đi cà kheo…

Năm nay ngày hội được tổ chức tại vùng đất của người K’Ho. Không gian đang tĩnh lặng bỗng vỡ òa khi ánh đèn sân khấu rực sáng và tiếng cồng chiêng trầm hùng vang lên. Mở đầu Ngày hội là lễ cúng chiêng, gọi Yàng (thần linh) do già làng K’Thế chủ trì. Sau tiếng tù và khai hội ngân dài của già làng là hội thi diễn tấu cồng chiêng, hoạt động trọng tâm của Ngày hội. Những nghệ nhân người K’Ho tái hiện các không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng như ngày hội mùa, hoạt cảnh gắn liền với sự tích cây nêu trong các mùa lễ hội… Giữa khoảng lặng của hai bài chiêng, nghệ nhân K’Bes (60 tuổi, ngụ thôn Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà) chia sẻ: “Cồng chiêng là tiếng gọi của Yàng, tiếng nói của núi rừng vang vọng, giao cảm giữa con người với thần linh, con người với thiên nhiên và cộng đồng. Cồng chiêng còn là cội rễ, là phần hồn của buôn làng”.

Hiện thân của thanh âm đại ngàn ảnh 2

Già làng K’Thế gọi Yàng trong lễ cúng chiêng

Một nghệ nhân khác kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thật ấn tượng: Hôm nọ, trong lúc dân làng đang lên rẫy, bỗng có tiếng chiêng dìu dặt vọng đến như ai oán khóc thương, lưu luyến tiễn đưa ai đó về với rừng Yàng. Tưởng rằng có người vừa qua đời, mọi người liền bỏ dở công việc trên rẫy để trở về làng. Đến nơi mới biết già làng đang dạy cho các thanh niên đánh bài chiêng cổ về tang ma. Thế đó, chỉ một bài chiêng cũng đã lay động tâm hồn mọi thành viên trong làng. Điều này cho thấy, cồng chiêng có sức sống từ cội nguồn; tiếng chiêng như có hồn đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của cộng đồng.

Theo bà Chế Phương Nam, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Lâm Hà, so với các năm trước, Ngày hội lần này đã xuất hiện nhiều thành viên trẻ trong các đội chiêng, tốp múa. Nhiều bài hát, làn điệu dân ca tưởng chừng mai một đã được sưu tầm, luyện tập và làm sống lại tại Ngày hội, hòa cùng tiếng kèn M’buốt vút cao, tiếng trống rộn ràng, tiếng cồng chiêng âm vang. Cùng với tiếng chiêng huyễn hoặc gọi thần linh là những bước chân trần khỏe khoắn, tràn đầy sức sống hòa cùng những vũ điệu đầy đam mê, đậm chất ngẫu hứng của các chàng trai, cô gái. Nhiều thành viên trong các nhóm nhạc là học trò của K’Bes và cố nghệ nhân Duôn Dai Bát (cha của K’Bes). Ông K’Bes được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2019. Cha của ông cũng được ban ngành chức năng phong tặng nhiều danh hiệu trong việc bảo tồn văn hóa.

Hiện thân của thanh âm đại ngàn ảnh 3
Ông K’Bes dạy bé gái đánh chiêng. Ảnh: Chế Phương Nam

Lẻn ra khỏi nhà học đánh chiêng

Nghệ nhân K’Bes kể, khi còn nhỏ thường xuyên thức khuya để xem các cụ đánh chiêng. K’Bes mê loại nhạc cụ này lắm, xin mãi, nhưng các cụ không chịu truyền nghề vì nghĩ rằng bàn tay nhỏ bé không thể gõ nên những thanh âm tròn trịa. Tuy nhiên, vì K’Bes nài nỉ mãi nên các cụ cũng xiêu lòng. Từ đó, đợi đến lúc mẹ đi ngủ là K’Bes lẻn ra khỏi nhà để học đánh chiêng. Năm K’Bes 12 tuổi, khi buôn làng tổ chức lễ hội, cậu bé chính thức được diễn tấu trong chiêng. Cậu chơi thành thạo một số bài chiêng truyền thống của người K’Ho như mời khách, mừng nhà mới, mừng lúa mới… khiến người mẹ sửng sốt, gặng hỏi biết đánh chiêng từ khi nào.

Mười mấy năm nay, nghệ nhân K’Bes đã truyền dạy nghệ thuật đánh chiêng cho hàng trăm người, giúp các buôn làng thành lập thêm nhiều đội chiêng trẻ. Trong đó, chỉ riêng buôn Bồ Liêng đã hình thành 1 đội chiêng nữ, 2 đội chiêng nam, 2 đội múa; được chọn đi biểu diễn khá nhiều tại các sự kiện văn hóa cấp quốc gia và khu vực.

Còn trong Ngày hội lần này, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong đội cồng chiêng thiếu niên huyện Lâm Hà, con gái thì đánh chiêng, còn con trai lại múa xoang, khác hẳn đội chiêng của nhiều huyện, thành khác trong tỉnh. Lâu nay, nói đến diễn tấu chiêng, người ta thường nghĩ đến những đôi tay khỏe khoắn gõ chiêng thuần thục của các chàng trai. Trong khi đó, đội chiêng của huyện Lâm Hà lại lan tỏa những thanh âm da diết từ những bàn tay mềm mại của các sơn nữ; tuy nhiên, khi tái hiện lễ hội mừng lúa mới, lúc cao trào, bàn tay sơn nữ cũng làm bật lên những thanh âm rộn ràng, giục giã.

Trong lúc xem đội chiêng của Lâm Hà biểu diễn, gương mặt của nghệ nhân K’Bes rạng rỡ hẳn lên. Ông bảo đã trút bỏ được nỗi lo thường trực lâu nay rằng dòng chảy văn hóa truyền thống sẽ không có người kế tục, tiếp nối... “Các chàng trai cô gái này sẽ là lớp người kế cận, có đủ tố chất, niềm đam mê tiếp nhận giá trị văn hóa truyền thống do các thế hệ nghệ nhân đi trước trao truyền lại”, ông quả quyết. Về nguyên nhân chuyển hướng sang dạy chiêng cho phái nữ, nghệ nhân K’Bes cho hay: Đào tạo được người đánh chiêng giỏi kỳ công lắm, đó là chưa kể khi các chàng trai đánh chiêng thuần thục rồi thì việc tập hợp họ lại thành một đội cũng rất khó khăn. Người K’Ho theo chế độ mẫu hệ, con gái “bắt chồng” nên sau khi lấy vợ, các chàng trai thường đến các địa phương khác sinh sống cùng gia đình vợ.

K’Bes từng là tay trống của dòng nhạc jazz, thành thạo ghi ta và là một trong những nghệ nhân hiếm hoi biết chỉnh chiêng. “Đây là việc rất khó khăn, bởi phải có đôi tai thẩm âm thiên bẩm chứ không hẳn chơi chiêng giỏi và học nghề là có thể chỉnh được chiêng”, già làng Krajăn Plin (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) quả quyết. Người biết chỉnh chiêng đã hiếm lại kén học trò nên đôi khi K’Bes phải sắm lễ đến xin hầu chuyện chỉnh chiêng cùng các bậc cao niên. K’Bes nói lên tâm nguyện muốn giữ hồn chiêng cho buôn làng chứ không phải cho riêng mình. Nghe vậy, các cụ mới thấu hiểu và tận tình chỉ dạy cho ông.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Ủy ban Dân tộc chúc tết Chôl Chnăm Thmây

Ủy ban Dân tộc chúc tết Chôl Chnăm Thmây

Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2024 của đồng bào Khmer, Ủy ban Dân tộc tổ chức các Đoàn công tác đi chúc Tết tại các tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… và một số địa phương); thăm, chúc mừng đồng bào Khmer và tặng quà người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là dân tộc Khmer.
Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

TPO - Tối 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X năm 2023. Chia sẻ sau lễ tuyên dương, các em học sinh, sinh viên DTTS đã bày tỏ nguyện vọng, mong muốn sẽ được tạo nhiều cơ hội hơn nữa để lan tỏa bản sắc văn hoá dân tộc. 
Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.