Hà Nội thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những năm qua, bình đẳng giới trong đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) luôn là một trong những vấn đề được thành phố (TP) Hà Nội đặc biệt quan tâm. Với một loạt các giải pháp đưa ra và đang thực hiện, khoảng cách về bình đẳng giới trong vùng DTTS ngày càng được thu hẹp.

Nhiều chính sách thúc đẩy

Ngay sau khi có Quyết định số 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND để thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2025”.

Theo đó, TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 80% số hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới; 100% học sinh các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống về giới và bình đẳng giới; 100% cán bộ làm công tác dân tộc tại các địa phương được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới…

Tiếp theo, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 257/KH-UBND về triển khai dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi của thủ đô Hà Nội.

Đối tượng thụ hưởng của dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của thủ đô Hà Nội, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.

Địa bàn thực hiện tại 14 xã thuộc 5 huyện vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô, trong đó: Huyện Ba Vì có 7 xã (Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài), huyện Thạch Thất 3 xã (Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân), huyện Quốc Oai có 2 xã (Phú Mãn, Đông Xuân), huyện Chương Mỹ có 1 xã (Trần Phú) và huyện Mỹ Đức có 1 xã (An Phú).

Căn cứ vào các nội dung của Dự án, Thành phố phấn đấu đến năm 2025: 14 Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập mới; duy trì hoạt động 33 Tổ truyền thông cộng đồng đang hoạt động hiệu quả tại cơ sở. 170 Tổ tiết kiệm vay vốn tự quản được củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới và duy trì.

Ngoài ra, tổ chức 14 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và thôn, bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới cũng sẽ được tổ chức tại các xã vùng đồng bào DTTS. 100% cán bộ nữ DTTS cấp huyện, cấp xã gồm cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu được tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực.

Với Kế hoạch này, Hà Nội bố trí khoảng 9,5 tỷ đồng để tổ chức triển khai 5 nhóm đề án, nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới; tuyên truyền nâng cao nhận thức bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ vùng DTTS; xây dựng nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy; đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ và tổ chức dạy nghề cho phụ nữ vùng DTTS.

Đáng chú ý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các đơn vị liên quan, nòng cốt là Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phối hợp với các ngành, tổ chức hội, đoàn thể quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho người dân ở cộng đồng, ưu tiên đối tượng tham gia là nam giới.

Mới đây nhất, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 16/KH-BTV cũng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Thủ đô.

Hà Nội thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số ảnh 1
Một buổi tập huấn nâng cao kỹ năng phân tích giới và lồng ghép giới cho cán bộ Hội LHPN thực hiện công tác bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: Hội LHPN

Bước đầu đạt được kết quả tốt

Theo đánh giá của Ban Dân tộc Hà Nội, ngoài một số vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, các chỉ tiêu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới của thành phố đều đạt và vượt. Công tác hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và phòng, chống mua bán người được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Các mục tiêu bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Thủ đô cơ bản hoàn thành.

Phó Trưởng Ban Dân tộc Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, thời gian tới, Ban sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu về giới trong gia đình và cộng đồng, cùng những tập tục văn hóa có hại.

Ban Dân tộc Hà Nội cũng sẽ tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nhằm trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng. Đây được xem là đội ngũ đóng vai trò thực thi quan trọng đối với mục tiêu bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Hà Nội về công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các địa bàn còn phức tạp thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.

Hà Nội cũng sẽ duy trì triển khai thực hiện các mô hình can thiệp, trợ giúp trẻ em, phụ nữ bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bình đẳng giới tại các địa phương để kịp thời có những giải pháp chỉ đạo, xử lý những tồn tại, hạn chế, vi phạm ngay từ cơ sở.

Tiếp tục nhiều hoạt động thiết thực

Bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; các buổi tư vấn pháp luật về bình đẳng giới cho các cán bộ làm công tác dân tộc, công tác phụ nữ và đồng bào vùng DTTS, Hà Nội còn tiến hành nhiều hoạt động khác. Đơn cử vào cuối tháng 4 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt mô hình điểm “Tổ truyền thông cộng đồng” tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì).

Hà Nội thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số ảnh 2
Tiết mục biểu diễn văn nghệ mở màn lễ ra mắt do phụ nữ dân tộc thiểu số xã Ba Trại biểu diễn. Ảnh: Diệu Linh

Theo đó, mô hình điểm “Tổ truyền thông cộng đồng” được thành lập tại thôn 8, xã Ba Trại gồm 10 thành viên. Nhiệm vụ của Tổ truyền thông là tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế…, Góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại; Tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng...

Trong tháng 8, UBND huyện Ba Vì đã tổ chức tập huấn cho 150 đại biểu là cán bộ hội LHPN huyện, Chủ tịch Hội LHPN, cán bộ xã, thôn, người có uy tín thuộc 7 xã dân tộc miền núi (xã Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Yên Bài, Vân Hòa, Ba Trại, Tản Lĩnh) được tập huấn kiến thức về bình đẳng giới nhằm góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

TPO - Tại buổi Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, nhiều tiểu phẩm đặc sắc, nhiều sáng kiến hay, nhiểu hoạt động thu hút.., đã giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.