Đánh giá đúng hiện trạng di tích
Kể từ đợt tổng kiểm kê, đánh giá giá trị các di tích trên địa bàn thành phố vào năm 2016 đến nay, Hà Nội đã đưa gần 6.000 di tích vào danh mục kiểm kê, với 20 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1.164 di tích cấp quốc gia và 1.481 di tích cấp thành phố... Bên cạnh việc ghi nhận về số lượng, công tác đánh giá giá trị di tích cũng cho thấy rõ sự đa dạng từ loại hình đến phương thức phân cấp quản lý.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong 5 năm qua, thành phố đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản trên địa bàn Hà Nội.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cũng còn tồn tại một số hạn chế, vi phạm trong quá trình tiến hành tu bổ, tôn tạo, như các vụ việc tại đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa), chùa Đậu (huyện Thường Tín), chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai)...
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý
Sau khi hoàn thành đợt tổng kiểm kê di tích đầu tiên vào năm 2016, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế “Thủ đô di sản”; đồng thời cũng đối mặt với những thách thức từ công tác bảo vệ và phát huy giá trị.
Để làm tốt điều này, UBND thành phố đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn; triển khai nhiều biện pháp, nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di tích như: Phân cấp quản lý rõ người, rõ trách nhiệm; sau 5 ngày xảy ra vụ việc, không có báo cáo chính thức, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND thành phố; định kỳ hằng năm thực hiện tổng hợp số liệu biến động về di tích; định kỳ 5 năm thực hiện tổng rà soát, trình UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh, cập nhật bổ sung danh mục (nếu có)...
Theo đó, Hà Nội đang thực hiện tổng kiểm tra, rà soát về di tích để cập nhật báo cáo, trình UBND thành phố phê duyệt danh mục di tích sau 5 năm tổng kiểm kê. Với đợt rà soát này, thành phố sẽ có thêm các di tích đủ điều kiện, tiêu chí để bổ sung vào danh mục hoặc đưa ra khỏi danh sách những di tích mới phát sinh việc thiếu tiêu chí. Việc cập nhật lại danh mục di tích còn là cơ sở để thành phố nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các phương án quản lý chặt chẽ, cụ thể hơn, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý di sản.