Nhớ về truyền thống
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi dâng hương Tổ nghề |
Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi, Phó chủ tịch Hội sân khấu TPHCM chia sẻ: “Mỗi năm cứ đến ngày 11-12-13 tháng 8 Âm Lịch là Lễ giỗ Tổ ngành sân khấu. Vào ngày này, chúng tôi, những người làm nghệ thuật thường tụ hợp lại gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ với nhau về chuyện đời, chuyện nghề, cùng nhau dâng hương lên Tổ, thưa với Tổ về những gì mình đã làm được trong năm qua, cầu xin Tổ nghiệp phù hộ cho mình và mọi người. Nhưng năm nay, với tình hình dịch bệnh như thế này, chúng tôi không thể tổ chức Giỗ Tổ tại các sân khấu được nên tôi quyết định làm tại nhà vào ngày 12/8 Âm Lịch (18/9/2021).
Nghệ sĩ sân khấu Hoàng Thái Thanh sẵn sàng các vở diễn phục vụ khán giả khi hết giãn cách |
Trịnh Kim Chi tự tay làm Lễ giỗ Tổ nghề tại gia đình. Cô mặc bộ áo dài màu đỏ và dâng trầu cau lên Tổ nghề với sự cầu mong: “Sân khấu thành phố luôn được sáng đèn. Anh chị em nghệ sĩ thật nhiều sức khỏe, vượt qua thời gian khó khăn này và tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật nước nhà”.
Nghệ sĩ Hồng Vân dâng Tổ những món ăn tự làm với tâm sự: “Mặc dù không được thắp nhang tại bàn thờ người ở sân khấu nhưng con vẫn cảm thấy ấm áp”. Cô mong đại dịch chóng qua: “Chúc tất cả anh em, bạn bè, các em, con, cháu đồng nghiệp sức khỏe và đặc biệt là những khán giả đã và đang đồng hành, yêu thương nghệ sĩ mọi điều may mắn; Xin cảm ơn và tri ân mọi người,… một năm không thể quên”.
Ngày giỗ Tổ là dịp nhớ lại truyền thống và những giai thoại về ngành sân khấu Việt Nam.
Những ký ức của nghệ sĩ Bạch Lựu về ngày này là: “Tục truyền từ những đoàn Hát Bội cổ xưa: Đời nhà Trần (thế kỷ thứ 13) đã bắt đầu có bộ môn Hát Bội. (…). Một truyền thuyết khác nói đời Trần có hoàng hậu hạ sinh hai con trai mê ca hát mà nhuốm bệnh qua đời. Sau này, các nghệ sĩ trong Ban Hát vẫn thấy hai hoàng tử hiển linh hiện về xem hát, mọi người cho là linh hiển nên lập bàn thờ tôn kính là Tổ Sư”.
Các nghệ sĩ giỗ Tổ nghề tại căn hộ ở chung cư (Ảnh: Tư liệu nghệ sĩ) |
Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của (1895): “Vào đời vua Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ thứ 10), nghề hát đã xuất hiện tại Việt Nam ta và bà Phạm Thị Trân là người đầu tiên có công khai phá ra nghệ thuật hát Chèo”.
Năm 1631, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thừa kế ngôi cha là Chúa Nguyễn Hoàng đã phong chức Nội Tán Hầu cho ông Đào Duy Từ. Ông Đào Duy Từ phát triển ngành hát Bộ (còn được gọi là hát Bội), ngoài Bắc gọi là hát Tuồng.
Ngày nay, hằng năm các đoàn hát Cải Lương thường chọn ngày 11/8 hay 12/8 âm Lịch để Giỗ Tổ nghề. Duy chỉ có các đoàn Tuồng cổ hay hát Bội thường chọn cách cúng 3 ngày: 11 (cúng chay), 12 (cúng mặn) và 13 (cúng tất đưa bài vị).
Làm cỗ trong khu phong tỏa
Giới nghệ sĩ nói chung, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam vẫn giữ nếp giỗ Tổ nghề. Không chỉ giới sân khấu mà các nghệ sĩ những ngành khác cũng không quên ngày này.
Ca sĩ Ngọc Ánh chia sẻ, từ năm 1989 đến nay tròn 32 năm liên tục cúng Tổ. “Thành kính dâng lên Tổ lòng biết ơn của con đã theo nghề Tổ cho từ năm 1985 đến nay, nguyện sống trọn với nghề hết lòng hết sức, giữ gìn đạo đức, lễ nghĩa trên sân khấu cũng như trong đời thường”.
Các nghệ sĩ, tùy vào hoàn cảnh của mình giữa đại dịch mà thể hiện tấm lòng đối với nghệ thuật mình theo đuổi. Ca sĩ trẻ Ý Linh làm mâm cúng Tổ ở hành lang chung cư, nơi có nhiều ánh sáng nhất.
Ca sĩ diễn viên Tây Phong rơi vào cảnh ngộ đặc biệt. Không may là đúng hôm anh lên quán nhạc của mình, nơi thường tổ chức biểu diễn cuối tuần thì giãn cách xã hội. Tây Phong đã một mình ở quán tại quận 3 suốt mấy tháng qua. Anh nói: “Cũng may tôi ăn chay trường nên chỉ cần gạo và rau tôi cũng ổn. Đây là dịp đặc biệt trong đời để tôi tự tu tập giữa lòng thành phố và suy nghĩ về nghệ thuật, về cuộc đời”. Sau ba tháng, cây cỏ quanh quán nhạc của anh mọc xanh um nom chẳng khác gì một khu rừng.
Nhân ngày giỗ Tổ, nghệ sĩ Tây Phong làm một mâm cỗ bằng giò chả nhờ mua được ở cửa hàng tiện lợi.
Tây Phong nói: “Chúng tôi rất nhớ sân khấu và khán giả. Biết bao nhiêu dự định còn dang dở và chúng tôi đợi thành phố bình thường trở lại để trở về với sân khấu và khán giả của mình, đem tới những tác phẩm mới và năng lượng mới”.
Gian truân nghiệp sân khấu
COVID-19 xảy ra, theo đánh giá của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật TPHCM thì giới văn nghệ sĩ đều gặp khó khăn, nhưng ngành sân khấu là khó khăn nhất.
Nghệ sĩ Ái Như, phụ trách sân khấu Hoàng Thái Thanh nói: “Đại dịch, họa sĩ vẫn vẽ được, nhạc sĩ, ca sĩ biểu diễn online, nhà văn sáng tác ở nhà… riêng ngành sân khấu rất khó. Một vở kịch phải có nhiều người, từ diễn viên, đạo diễn, âm thanh ánh sáng, hậu đài. Các anh chị suốt hai năm nay đa số là thất nghiệp”.
Từ năm ngoái tới nay, các sân khấu đóng cửa, các vở kịch công phu đều không đến được với khán giả. Tháng 7 năm ngoái, trong một buổi tập, nghệ sĩ Ái Như bị ngã chấn thương cột sống. Khi sức khỏe được cải thiện, chị cùng các nghệ sĩ sân khấu Hoàng Thái Thanh chuẩn bị cho các vở diễn cuối năm thì đại dịch “tái phát”. Chị Ái Như nói: “Chúng tôi luôn cố gắng hết sức, chờ ngày tái ngộ khán giả”.
Ngày giỗ Tổ nghề năm nay, các nghệ sĩ Sân khấu Hoàng Thái Thanh chia sẻ trên trang của mình: “Năm nay, vì đại dịch nghệ sĩ không thể cùng nhau trở về bên cánh màn nhung thắp nén nhang thành kính, nhưng tấm lòng vẫn hướng vọng về Tổ nghiệp”.
Phó chủ tịch Hội sân khấu TPHCM Trịnh Kim Chi cho PV báo Tiền Phong biết: “Sân khấu thành phố hầu như đóng cửa gần 2 năm, chỉ có vài suất diễn giữa các mùa dịch. Nghệ sĩ hầu như thất nghiệp, rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn phải làm thêm nghề phụ để mưu sinh như phụ hồ, xe ôm, bảo vệ. Một số văn nghệ sĩ bị nhiễm bệnh và có những trường hợp ra đi mãi mãi…”.
Trong làn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, giới nghệ sĩ TPHCM những ngày qua vẫn tổ chức rất nhiều hoạt động thiện nguyện, tổ chức bếp ăn cho lực lượng tuyến đầu, tham gia vào các chương trình biểu diễn tại bệnh viện dã chiến.
Nghệ sĩ Thanh Thủy kể: “Chúng tôi luôn hướng về các khán giả của mình. Khi không thể biểu diễn, chúng tôi làm thiện nguyện. Các nghệ sĩ cũng vẫn luyện tập ở nhà, chuẩn bị các vở mới để phục vụ khán giả sau khi hết giãn cách”.
Tối 18/9/2021, ngành sân khấu có chương trình giao lưu trực tuyến nhân ngày Giỗ Tổ sân khấu tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM có sự tham gia của các nghệ sĩ Thanh Thủy, Võ Minh Lâm, NSƯT Quế Trân… Giao lưu xong, nghệ sĩ Thanh Thủy lại vội vàng về lo cho bếp ăn Từ Tâm của chị và các nghệ sĩ vừa tròn 100 ngày tuổi. Chị nhắn gửi: “Đến hôm nay đã được 100 tuổi ngày của Bếp Từ Tâm với sự yêu thương đóng góp của các mạnh thường quân… Hôm nay Bếp Từ Tâm rất mong được có ít thực phẩm tươi cho các y, bác sĩ, các bộ phận chống dịch… Chúng em xin rất cám ơn!”.