Giáo hội Phật giáo Việt Nam đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
TPO - Sáng 7/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981-07/11/2021). Buổi lễ diễn ra bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội kết nối với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đây là lễ kỷ niệm đặc biệt nhất trong lịch sử phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên; đồng thời thể hiện tinh thần nhập thế theo phương châm: Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội - sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường 40 năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tại buổi lễ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên đọc Thông điệp của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh gửi tăng ni, cư sĩ Phật tử nhân Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội.

Thông điệp mong muốn các cấp giáo hội, các ban, viện ở trung ương và địa phương, các sơn môn, hệ phái, tăng ni, cư sĩ Phật tử hãy tiếp tục nêu cao truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam, trưởng dưỡng đạo tâm để trang nghiêm Giáo hội. Phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam…

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ lịch sử hơn 2.000 năm Phật giáo Việt Nam là lịch sử của những người Phật giáo yêu nước. Tiếp nối dòng chảy của Phật giáo yêu nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, ở thời kỳ nào, dù trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay hòa bình phát triển đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng gắn liền với lịch sử dân tộc và đều có rất nhiều tấm gương điển hình giúp đời, “hộ quốc, an dân”.

Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tới nay, hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc" của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động, kịp thời chỉ đạo dừng, hoãn nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo để bảo đảm an toàn sức khỏe cho tăng ni, phật tử và xã hội. Giáo hội đã ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho Quỹ vắc xin, hỗ trợ mua trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm...

Phong trào “cởi áo nâu, khoác áo blue” đã thu hút được hàng ngàn tăng ni, Phật tử cùng với các chức sắc, tín đồ của các tôn giáo bạn đăng ký là tình nguyện viên ra tuyến đầu, vào các bệnh viện thu dung, dã chiến giữa tâm dịch TPHCM và các tỉnh phía Nam để góp sức cùng với đội ngũ y, bác sỹ chăm sóc người bệnh.

Nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo trở thành nơi điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 hoặc tiếp nhận tro cốt của những người qua đời vì dịch bệnh để thờ cúng cho đến khi thân nhân đến nhận. Qua đó, làm an lòng những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, mất mát người thân trong dịch bệnh, góp phần ổn định tư tưởng xã hội.

Đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tăng ni, phật tử cả nước đã đạt được trong những năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo. Trong đó khẳng định “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung".

Chủ tịch nước mong muốn và đặt nhiều niềm tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; phát huy sức mạnh của tôn giáo, của tín ngưỡng, của văn hóa để phát triển đất nước; tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa đồng bào Phật giáo ở trong và ngoài nước trong ngôi nhà chung Giáo hội.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo. Hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động tuân thủ pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh trong cả nước.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng nhất tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

TPO - Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) ký ban hành với mục đích đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, đồng thời bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn.
Điểm cầu tỉnh Cao bằng tham gia họp trực tuyến.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn

TPO - Sáng 23/11, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của 2 tỉnh trong quá trình thực hiện.