Ðánh thức 'vùng đất chết'

0:00 / 0:00
0:00
Ông Phan Ðình Ðường là người tiên phong đưa giống chè về trồng ở vùng đất khó Hạnh Lâm
Ông Phan Ðình Ðường là người tiên phong đưa giống chè về trồng ở vùng đất khó Hạnh Lâm
TP - Từ vùng đất hoang hóa, cằn cỗi, lão nông xứ Nghệ Phan Ðình Ðường đã khai phá, “bén duyên” với cây chè, tạo nên thương hiệu xuất khẩu sang các nước, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Ông Phan Đình Đường (SN 1962, trú xóm 1, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) nối nghiệp gia đình làm nghề bốc thuốc cứu người. Tâm huyết, trách nhiệm, ông Đường được địa phương giao đảm nhận vị trí y tá thôn bản tại xã Hạnh Lâm, chăm sóc sức khỏe cho bà con. Ông kể, thời điểm đó, mỗi khi có người bị bệnh, ông phải băng rừng, lội suối đến từng nhà dân để điều trị.

Cuộc sống khó khăn nhưng ông Đường vẫn luôn “bám” thôn bản. Ngoài công việc là một thầy thuốc, ông nghiên cứu, khai hoang đất rừng để thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới với mong muốn phát triển kinh tế gia đình. Sau lần trồng thử nghiệm không đem lại hiệu quả, ông nảy ra ý tưởng trồng cây chè xanh. Một thời gian sau, thấy cây chè bén rễ và xanh tốt, ông khấp khởi mừng. “Ngày xưa vùng đất này như vùng đất chết, núi rừng bao quanh, đời sống người dân vô cùng khó khăn, cây cối hoa màu không phát triển được”, ông Đường nhớ lại.

Nhiều đêm trăn trở, ông học được cách sao chè và bắt đầu tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, kinh tế gia đình dần ổn định và phát triển. Nhâm nhi chén nước chè xanh, lão nông tâm sự: “Ngày trước bán mỗi bó chè chỉ được khoảng 2.000 - 5.000 đồng, trong khi nhiều địa phương khác lại bán chè khô, mỗi cân từ 30.000 - 40.000 đồng, tôi rất trăn trở, quyết tìm mọi cách để làm chè khô xuất khẩu”. Từ khi bắt tay vào sản xuất, chế biến chè khô, thị trường mở rộng nhanh chóng. Ông hướng dẫn, khuyến khích bà con trong vùng khai hoang để làm đất trồng chè, đứng ra cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm Nguyễn Hữu Hạnh chia sẻ: “Ông Phan Ðình Ðường là người tiên phong trong việc trồng, chế biến sản xuất chè xanh ở địa phương. Ðến nay, ngoài lượng lớn chè bán ra thị trường trong nước, sản phẩm chè xanh Ðường Hương còn xuất khẩu ra nước ngoài và dần khẳng định thương hiệu chè xanh xứ Nghệ”.

Thấy việc làm ăn bắt đầu khởi sắc, ông Đường quyết định mở rộng quy mô, mua thêm nhiều máy móc thiết bị để nâng cao năng suất. Ông một mình đi đến các tỉnh thành trong nước để học hỏi, nghiên cứu thêm nhiều phương pháp chế biến chè. Hiện, ngoài 3ha chè của gia đình, cơ sở sản xuất chế biến chè Đường Hương đã nhận bao tiêu hơn 100 ha chè của người dân trong vùng; giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Mọi công đoạn chế biến chè đều được sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi tấn chè tươi sau khi chế biến, sao ra được 150 kg trà xanh loại 1 và hơn 50kg chè xanh loại 2. Chè tươi được thu mua tại địa phương giá 3.000 đồng/kg, trong khi đó chè khô sau khi chế biến, bán ra thị trường giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, thu nhập mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng. “Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm chè Đường Hương còn xuất khẩu sang các nước Pakistan, Afghanistan, Ả Rập Xê Út...”, ông Đường cho hay.

MỚI - NÓNG
Màn rước nữ tướng 12 tuổi ở khai Hội Gióng
Màn rước nữ tướng 12 tuổi ở khai Hội Gióng
TPO - Màn rước kiệu nữ tướng trẻ của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) thu hút sự quan tâm của người dân, du khách thập phương trong lễ khai Hội Gióng đền Sóc diễn ra sáng 27/1 (mùng 6 Tết Nguyên đán) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội).

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo Lễ hội Ná Nhèm

Độc đáo Lễ hội Ná Nhèm

TP - Mặc cho mưa rét, ngày 15 tháng Giêng vừa qua, gần chục nghìn lượt người đến với hội Ná Nhèm- một lễ hội xuân truyền thống có từ 300 năm của người dân tộc Tày xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn.