Cho voi về rừng, nhưng...
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Tổ chức động vật châu Á, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng (gọi tắt Trung tâm bảo tồn voi) Đắk Lắk, Ban quản lý rừng Lịch sử Văn hóa Môi trường hồ Lắk (Ban quản lý rừng) khảo sát khu chăn thả voi nhà tại huyện Lắk, đây là khu vực được đánh giá phù hợp.
Tuy nhiên, tỉnh này vẫn chưa thể chốt do việc lựa chọn khu vực chăn thả voi nhà cần đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) bền vững, vì đây là nhiệm vụ chính của Ban quản lý. Việc chăn thả voi của các chủ voi/nài voi thời gian qua trong lâm phần của đơn vị này đã phần nào làm suy giảm diện tích, trữ lượng rừng đặc dụng, ảnh hưởng đến kết quả cập nhật diễn biến rừng hằng năm.
Đàn voi nhà ở huyện Lắk được thưởng thức tiệc “Buffet” |
Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức động vật châu Á còn đề xuất 1 vị trí đang được Ban quản lý rừng giao khoán cho nhóm hộ gia đình với nguồn kinh phí từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, nên không thể quy hoạch làm khu chăn thả voi nhà.
Đắk Lắk là địa phương sở hữu nhiều voi nhà nhất của cả nước với tổng số 36 con. Tuy nhiên, phần lớn cá thể voi nhà đã lớn tuổi, qua thời kỳ sinh sản. Hiện, nhiều cá thể voi đang phục vụ chở khách du lịch, do đó, để “cứu” đàn voi nhà trước nguy cơ tuyệt chủng, Tổ chức Động vật châu Á đã tài trợ kinh phí, nhân lực để tỉnh Đắk Lắk chuyển đổi mô hình du lịch với voi. Trong đó, có việc lập 2 khu chăn thả (huyện Lắk và huyện Buôn Đôn) để đưa voi trở về rừng- nơi vốn là ngôi nhà của loài vật to nhất hành tinh.
Theo ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đã đề nghị Tổ chức động vật châu Á và các đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát chọn khu vực rừng, đất rừng liền kề còn lại chưa có kế hoạch giao khoán bảo vệ rừng tại tiểu khu 1337 (giáp sông Krông Na) để làm khu chăn thả voi tại huyện Lắk.
Sau khi có kết quả khảo sát về đề xuất, Sở NN&PTNT Đắk Lắk sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương được phép thí điểm thực hiện khu chăn thả voi tại lâm phần Ban quản lý rừng từ năm 2023 đến năm 2025. Kết quả thí điểm, nếu đảm bảo phúc lợi cho voi và diện tích rừng được quản lý, bảo vệ tốt thì đề xuất Ban quản lý rừng bổ sung nội dung này vào phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 và trình phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 28/2018 của Bộ NN&PTNT.
Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, trong thời gian thí điểm, chủ voi, nài voi phải chịu trách nhiệm chính khi để voi của mình phá, hủy hoại rừng. Ban quản lý rừng có quyền chấm dứt cho phép các chủ voi, nài voi thả voi vào lâm phần trước thời hạn kết thúc thí điểm, nếu để rừng bị xâm hại. Tuy nhiên, điều kiện đưa ra trên khiến nhiều nài voi không đồng tình.
Khó khả thi
Anh Y Vinh Êung (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), chủ voi tên Khăm Sen, cho biết theo đặc tính của voi, khi được về với rừng, chúng sẽ tự đi kiếm ăn.
Trong khu rừng rộng lớn, nài voi, chủ voi không thể kiểm soát được hành động của voi, bởi chúng là loài động vật, hành động theo bản năng mà con người không thể ngăn cản được. Nếu như mô hình khu chăn thả voi thí điểm như Sở NN&PTNT Đắk Lắk nêu trên, thì nếu voi ăn cây rừng, đồng nghĩa với việc chủ nhà bị quy vào việc phá rừng, như vậy sẽ không khả thi.
Ông Đàng Năng Long (trú huyện Lắk) - người đang sở hữu 5 con voi nhà cho hay, rất đồng tình với chủ trương chuyển đổi mô hình du lịch voi thân thiện (dừng việc cưỡi voi sang ngắm từ xa...).
Tuy nhiên, cách làm của các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk thời gian qua lại không hiệu quả. Đơn cử, nhiều hội nghị liên quan đến chuyển đổi mô hình thân thiện với voi lại không mời chủ voi, nài voi tham dự. Trong khi đó, chính họ mới là chủ thể, người sở hữu voi, có quyền quyết định mọi việc liên quan đến kế sinh nhai của họ.
Ông Long nói thêm, bản thân voi với rừng là sự cộng sinh. Trong môi trường thiên nhiên ấy, voi có thể làm các hành động như quật ngã cây lấy thức ăn, hoặc muối khoáng dưới rễ cây. Đó là bản năng sinh tồn của con vật. Vậy nên, việc yêu cầu chủ voi, nài voi phải chịu trách nhiệm nếu voi nhà hủy hoại rừng, phá rừng là điều không thể được.