Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 91 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được mở rộng, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ phát triển, tập hợp, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng, tạo thành sức mạnh to lớn, góp phần phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đặc biệt là góp phần phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1931 - 18/11/2021), Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã chia sẻ với báo chí xoay quanh nội dung về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn ảnh 1
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Xin ông đánh giá về chủ trương phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc từ những hoạt động của Mặt trận trong thời gian qua?

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, có thể nói là một tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Theo tìm hiểu của tôi, trên thế giới không nước nào có một ngày được lấy là Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc, được tổ chức đến từng khu phố, khu dân cư như Việt Nam.

Với ý nghĩa như vậy, tôi thấy rằng cần đẩy mạnh, phát huy các hoạt động này. Theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong tháng 12/2021, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ trình Ban Bí thư "Đề án xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư" nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cụ thể đến từng khu dân cư. Nếu chúng ta giữ gìn, xây dựng được từng khu phố, tổ dân phố, từng thôn bản, xã, huyện, tỉnh đều đoàn kết, cả dân tộc ta đoàn kết, việc khó mấy chúng ta cũng vượt qua được. Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã cho thấy bài học đó vẫn còn nguyên giá trị. Đây là tài sản vô giá.

Với vai trò nòng cốt và trách nhiệm của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ nỗ lực động viên, giữ gìn, phát huy, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, từ đó giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách; xây dựng đất nước phát triển ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và mọi người, mọi nhà có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thưa ông, một trong những dấu ấn đậm nét cho thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã và đang được phát huy mạnh mẽ, đó là trong đại dịch COVID-19 gần hai năm qua, rất nhiều hoạt động tương thân tương ái, quyên góp ủng hộ đã được Mặt trận phát động, các tổ chức thành viên và các đơn vị cùng chung tay, góp sức. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những kết quả đã đạt được?

Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Thử thách vừa qua đối với đại dịch COVID-19 là một minh chứng rất sinh động. Khi đại dịch bùng phát, nhất là trong đợt dịch lần thứ 4, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đồng lòng, chung sức phòng, chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc".

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra lời kêu gọi nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: "Thương người như thể thương thân", "Bầu ơi thương lấy bí cùng".

Trong khoảng thời gian ngắn, kết quả đạt được rất đáng trân trọng. Hàng triệu túi quà Đại đoàn kết, túi quà an sinh, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị của đồng bào cả nước và của kiều bào ta ở nước ngoài đã được chở vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để san sẻ yêu thương và chia sẻ những khó khăn, vất vả của đồng bào ta trong quá trình chống dịch.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết, giúp đỡ nhau, ủng hộ bằng tiền mặt khoảng 20.000 tỷ đồng để giúp đỡ những nơi còn khó khăn, trong đó quan trọng nhất là để mua vaccine tiêm phủ trên diện rộng miễn phí cho toàn dân. Người dân tích cực tham gia các phong trào phòng, chống dịch; góp sức tại các chốt phòng, chống dịch hay các Tổ phòng, chống COVID cộng đồng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh của mình là tập hợp tinh thần đại đoàn kết của các giai tầng trong xã hội. Trong khó khăn, nhiều hình ảnh và những nghĩa cử cao đẹp đã làm lay động lòng người. Tất cả đều hướng về miền Nam ruột thịt.

Nhìn lại, có thể thấy rằng, chỉ có sức mạnh của nhân dân, chỉ có truyền thống văn hóa của Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm mới giúp chúng ta có được thành quả như hôm nay.

Thưa ông, Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đồng thời là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, ông có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của Ngày hội này?

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức tại các khu dân cư trên phạm vi cả nước đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hoạt động có ý nghĩa lớn trong cộng đồng dân cư. Đây là dịp để mỗi người dân trong khu dân cư ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là dịp người đi xa được trở về, cũng là dịp để cộng đồng cùng nhau kiểm điểm lại những công việc đã làm trong năm, những việc triển khai tốt và chưa tốt, từ đó tạo sự đồng thuận, cùng nhau xây dựng những khu dân cư bình yên, phát triển.

Đây cũng là cơ hội để cán bộ đảng viên về sinh hoạt ở nơi cư trú với nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về sinh hoạt để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời chuyển tải những chủ trương, đường lối, những mong muốn của Đảng, Nhà nước đối với toàn thể nhân dân tới cụ thể từng khu dân cư.

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã có những giải pháp nào để Ngày hội Đại đoàn kết được triển khai tổ chức một cách an toàn trong bối cảnh ứng phó với dịch COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, thưa ông?

Để đạt được mục tiêu đó, năm nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn theo ba hình thức. Những "vùng xanh" sẽ tổ chức hoạt động bình thường. Những nơi là "vùng vàng" việc tổ chức hạn chế hơn và cố gắng tối đa để kiểm soát dịch bệnh. Những khu vực có nơi nguy cơ cao năm nay sẽ không tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết tập trung mà chủ yếu tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tổ chức trong phạm vi rất nhỏ.

Trên tinh thần đó, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ đã đến các địa bàn dân cư để gặp gỡ, động viên nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, thể hiện đúng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong dịp này, tôi đã được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi về dự ngày hội với bà con và cảm nhận được không khí rất hồ hởi, phấn khởi, dù trong bối cảnh dịch bệnh. Từ đây có thể thấy, Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế đã "thấm", "ngấm" đến tận cơ sở.

Điều đặc biệt là trong Ngày hội, người dân cùng bàn bạc thêm với nhau về những giải pháp để cùng đồng lòng, chung sức phòng, chống dịch; đề cao cảnh giác, không lơ là chủ quan song không hoang mang, thực hiện hiệu quả chủ trương chung của Đảng, Nhà nước: vừa kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.

Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông có nhắn nhủ gì đến đội ngũ những người làm công tác Mặt trận cũng như nhân dân trên cả nước?

Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là một tài sản vô giá. Do vậy, trong bất cứ mọi hoàn cảnh, tình huống nào, tất cả chúng ta đều phải chăm lo, giữ gìn, hun đúc truyền thống tốt đẹp này để phát huy và lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Những người làm công tác Mặt trận các cấp trên cả nước hãy coi đây là một niềm vinh dự, hạnh phúc bởi mình được tham gia cống hiến và phục vụ cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta hãy vượt lên mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong niềm vui của nhân dân, trong niềm vui phát triển của đất nước, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui của riêng mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo TTXVN
MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

TPO - Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) ký ban hành với mục đích đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, đồng thời bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn.
Điểm cầu tỉnh Cao bằng tham gia họp trực tuyến.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn

TPO - Sáng 23/11, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của 2 tỉnh trong quá trình thực hiện.