Hoàng tử bé xuất bản lần đầu năm 1943. Cuốn tiểu thuyết cũng bao gồm nhiều bức tranh do chính Saint-Exupéry vẽ. Tính đến nay tác phẩm đã được dịch sang hơn 270 ngôn ngữ và bán được hơn 200 triệu bản trên toàn thế giới, trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại.
Tại Việt Nam, từ bản dịch đầu tiên năm 1966, tính đến nay Hoàng tử bé cũng đã có hơn chục bản dịch của các dịch giả khác nhau.
Phiên bản Hoàng tử bé bằng tiếng Việt và tiếng Chăm. |
Trong khuôn khổ dự án “Theo dấu chân Hoàng Tử bé” do Viện Pháp tại Hà Nội phối hợp cùng Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng Tử bé, phiên bản Hoàng tử bé bằng tiếng Chăm đã chính thức được ra mắt tại Việt Nam.
Bản dịch Hoàng tử bé bằng tiếng Chăm do anh Inrawira Indrajaya ở An Giang chuyển ngữ. Quỹ Hoàng tử bé tài trợ in 800 cuốn sách để tặng cho cộng đồng người Chăm tại Việt Nam.
Vừa qua, cả hai bản Hoàng tử bé tiếng Việt và tiếng Chăm đều đã được NXB Phụ Nữ tổ chức giới thiệu tại trường Tiểu học Nghĩa Tân. Những độc giả hâm mộ Hoàng tử bé còn được dịp giao lưu với ông Jean-Marc Probst, Giám đốc Quỹ Hoàng tử bé và là một người hâm mộ cuồng nhiệt của cuốn sách này.
Ông Jean-Marc Probst là chủ sở hữu một bộ sưu tập hơn 6.200 ấn bản Hoàng tử bé bằng hơn 500 ngôn ngữ, cùng hàng ngàn vật phẩm đủ các thể loại khác liên quan đến tác phẩm.
Ông Jean-Marc Probst nói chuyện Hoàng tử bé với các độc giả nhí ở Việt Nam. |
Cũng theo ông Jean, hồi cuốn Hoàng tử bé được xuất bản tại Mỹ, thăm dò dư luận bạn đọc cho thấy: 50% độc giả cho rằng cuốn sách không dành cho trẻ em, 50% độc giả cho rằng cuốn sách không dành cho người lớn và 99% độc giả cho rằng cuốn sách là dành riêng cho họ.
Với ông Jean-Marc Probst, thì Hoàng tử bé là cuốn sách chứa đựng những tư tưởng triết học sâu xa, được viết cho những người cần sự an ủi trong tâm hồn và quan trọng nhất là nó phù hợp với mọi lứa tuổi.
Hoàng tử bé phiên bản phim hoạt hình. |
Hoàng tử bé kể về cậu bé sống một mình trên tiểu hành tinh B612 bé nhỏ cùng 3 ngọn núi lửa (trong đó một ngọn đã tắt) và một bông hoa hồng đỏm dáng.
Được cậu chăm bẵm hết mực, nhưng bông hoa vẫn thường xuyên tỏ ra cáu bẳn, khó chịu. Không hiểu duyên cớ vì sao, cậu rất đỗi hoang mang, buồn rầu và quyết định du hành sang các hành tinh khác để tìm kiếm một người bạn.
Niềm day dứt khôn nguôi ấy đeo đuổi Hoàng tử bé suốt cuộc du hành, giống như cách cậu đặt câu hỏi và lặp đi lặp lại câu hỏi chừng nào còn chưa nhận được câu trả lời.
Mối nhân duyên kỳ lạ giữa tác giả và nhân vật chính hiển hiện rõ qua từng cuộc gặp gỡ ở mỗi hành tinh Hoàng tử bé ghé chân, qua cách đối đáp và nhìn nhận mọi việc xung quanh lớp nghĩa đơn sơ mà cốt lõi nhất.
Bà Hoa Phượng giới thiệu phiên bản tiếng Chăm của Hoàng tử bé. |
Qua việc xuất bản cùng lúc hai ấn phẩm Hoàng tử bé, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ, bày tỏ mong muốn việc học văn trong nhà trường sẽ có được mở rộng ra để học sinh không chỉ biết về một tác phẩm qua trích đoạn trong sách, mà còn mở rộng tầm hiểu biết ra toàn tác phẩm, tìm hiểu sâu hơn về tác giả, dịch giả, và rộng ra nữa là tìm hiểu thêm về những nền văn hoá khác nhau trên thế giới.