Tham dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình; bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO)…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Đức Hoàng |
Ngày 16/11/1972, tại kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Paris (Cộng hòa Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Đến năm 2020, đã có 194 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước này. Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia Công ước từ ngày 19/10/1987, và đến nay đã có 8 di sản thế giới được UNESCO ghi danh.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc (phải) tiếp Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay. |
Lễ kỷ niệm cùng sự kiện đón tiếp Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thể hiện vai trò, đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế nhằm tôn vinh, phát huy giá trị của Công ước đồng thời cũng giúp quảng bá rộng rãi những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy di sản thế giới.
Đây là cơ hội khẳng định vị thế của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UNESCO, thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam ứng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Cảnh quan Ninh Bình được lồng chiếu cùng với các tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm. |
Tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho hay, Công ước 1972 là công ước quốc tế đầu tiên và duy nhất gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Nhiều tiết mục văn nghệ truyền thống biểu diễn tại lễ kỷ niệm. |
“Chuyến thăm chính thức Việt Nam của bà Tổng Giám đốc Audrey Azoulay với nhiều hoạt động có ý nghĩa, tiếp tục khẳng định giá trị và tầm quan trọng của mối quan hệ hiệu quả, thiết thực giữa Việt Nam và UNESCO. Lễ kỷ niệm lần này cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đẩy mạnh giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung,” ông Hà Kim Ngọc nói.
Chia sẻ về lý do tổ chức sự kiện này tại Ninh Bình, ông Ngọc cho rằng quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam mà còn của cả nhân loại, góp phần làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đó là một minh chứng rõ ràng của thành công trong việc gắn kết giữa bảo tồn, phát huy di sản với phát triển du lịch, kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của cộng đồng người dân bản địa, mà biểu hiện rõ nét nhất là sự tham gia tích cực của bà con làm nghề chèo thuyền hay dịch vụ du lịch ở quần thể danh thắng Tràng An.
Nhiều ca sỹ hội tụ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Đ.H |
Trong 35 năm tham gia Công ước 1972, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã thường xuyên và là kênh kết nối nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao nhất trong việc thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực, chuyên môn bảo tồn di sản; thúc đẩy hợp tác quốc tế và giáo dục di sản.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá các di sản thế giới tại Việt Nam đóng góp hiệu quả, tích cực vào phát triển bền vững kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm tại địa phương, cộng đồng, góp phần phát triển du lịch, thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Đ.H |
“Trong khuôn khổ cơ chế UNESCO nói chung và Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nói riêng, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn hoàn thành tốt, chất lượng các nghĩa vụ thành viên, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao,” ông Hùng nói.