Ngày 22/11, Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Đại diện địa phương phát biểu ý kiến tại hội thảo. |
Hội thảo có sự tham dự đại biểu 18 tỉnh/thành phố khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, những địa phương có trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc đối với trường Đại học Tây Bắc và trường Đại học Tây Nguyên; hướng dẫn tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đánh giá, Bộ GD&ĐT hiện đang thực hiện các giải pháp để đầu tư hiệu quả cho các trường Đại học Tây Bắc và Đại học Tây Nguyên; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học trực tiếp và trực tuyến, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú.
Về nâng cao chất lượng dạy và học, năm 2022, Bộ GD&ĐT đã khảo sát, biên soạn, tập huấn, in ấn và cấp phát tài liệu cho các trường. Các bộ tài liệu này liên quan đến các nội dung như: nâng cao năng lực dạy học môn Toán, Tiếng Việt, môn Ngữ văn; cẩm nang phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục cho học sinh dân tộc thiểu số...
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ củng cố và phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú; đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.