Nếu đi cáp treo chỉ mất mươi phút nhưng chúng tôi quyết định di chuyển bằng mô tô qua con đường dốc quanh co như xoáy tròn với những khúc cua ngoặt khuỷu tay khá nguy hiểm để đến lưng chừng núi, sau đó leo hơn 300 bậc tam cấp để lên chùa Phrathat Doi Suthep. Dọc theo hàng trăm bậc thang là 2 con rồng đá lớn.
Leo hơn 300 bậc tam cấp để lên chùa |
Phrathat Doi Suthep là một trong những ngôi chùa lâu đời ở kinh đô của vương quốc Lanna (Chiang Mai ngày nay). Trong số nhiều ngọn tháp ở chùa, tháp lớn nhất được bọc vàng (nằm ở khu trung tâm), được cho là nơi cất giữ "mảnh xương vai của Phật tổ". Quanh bảo tháp này có hai chiếc ô lọng màu đồng bóng và nhiều tượng phật.
Bảo tháp ở chùa Phrathat Doi Suthep |
Trên mái chùa cong cong được treo nhiều chuông bằng đồng nhỏ. Khi cơn gió thổi qua, cả dãy chuông bị rung lên những âm thanh như tiếng nhạc du dương. Đúng lúc đó, hai dãy chuông đồng lớn treo ở lối vào đền cũng cất tiếng. Phật tử tin rằng tiếng chuông sẽ mang theo ước nguyện của mình vào thế giới Phật.
Khu vực treo dãy chuông bằng đồng |
Những nhà sư mặc áo vàng cài chéo qua người ngồi hai bên dãy hành lang của ngôi đền cùng quỳ lạy và đọc kinh. Sau khi lễ Phật, khách hành hương thường được các nhà sư làm phép bằng cách buộc vào cổ tay một sợi dây màu trắng và vẩy lên người vài giọt nước và tụng kinh, rồi thỉnh vài tiếng chuông. Người Thái cho rằng, ai được các nhà sư làm phép cũng sẽ được Phật phù hộ cho may mắn, bình an.
Đi sâu vào bên trong ngôi chùa, chúng tôi thấy nhiều bức tượng. Ấn tượng nhất là bức tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng lớn được đặt chính giữa điện. Tượng sáp về các nhà sư cũng khiến nhiều kinh ngạc bởi giống hệt người thật.
Tượng sáp hệt như người thật |
Theo truyền thuyết được khắc ghi trên bia đá, nhà sư Sumanathera nằm mơ thấy Phật truyền phải đi tìm di vật quan trọng. Nhà sư tìm đường đến nơi Phật đã chỉ, phát hiện một mảnh xương vai của Phật tổ. Di vật này có phép lạ, tự phát sáng, chuyển động, biến mất hoặc tái tạo.
Trưng bày cặp ngà voi |
Năm 1368, vua Nu Naone của vương quốc Lanna yêu cầu nhà sư mang di vật đến cung điện. Ngay lập tức di vật tự phân chia thành hai phần, một phần kích cỡ như cũ, một phần nhỏ hơn. Phần nhỏ được cất giữ ở một ngôi chùa, còn phần kia, nhà vua buộc vào người con voi trắng. Voi được thả vào rừng, leo lên núi Doi Suthep, rống lên ba lần rồi chết. Điều này được coi là điềm báo nơi di vật muốn được cất giữ, vì thế vua Nu Naone cho xây đền ở nơi đây vào cuối thế kỷ XIV.
Khi hành lễ ở chùa Phra That Doi Suthep, Phật tử thường dâng lên bó sen trắng để thể hiện lòng thành kính.
Một trong nhiều tượng voi trong chùa |
Ký họa chân dung du khách |
Ngoài việc viếng chùa, bái Phật, du khách còn được ngắm toàn thành phố Chiang Mai từ trên cao.
Chúng tôi nán lại cho đến cuối buổi chiều để ngắm hoàng hôn, khi nắng phản chiếu những tia sáng cuối ngày lên những áng mây bồng bềnh khiến cảnh tượng thêm phần lung linh, huyền ảo.