Ước mơ đưa Sen quê Bác ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Cánh đồng sen ngát hương ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An
Cánh đồng sen ngát hương ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An
TP - “Vào mùa, những bông sen Bách Diệp to nhất còn đang chúm chím sẽ được cắt vào sáng sớm. Hoa sen được mang về cắm vào nước, sau đó nhẹ nhàng tách cánh hoa và bỏ vào khoảng 12g trà Shan Tuyết đã được ủ hương trước với gạo sen”, Phạm Kim Tiến - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Sen quê Bác hào hứng kể về niềm đam mê của mình.

Bỏ phố về quê khởi nghiệp

Con đường làng dẫn chúng tôi tới HTX Nông nghiệp Sen quê Bác (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) ngào ngạt hương sen. Những bông sen đua nhau khoe sắc giữa trời thu tháng 9, đẹp như một bức tranh. Tự tay pha ấm trà sen mời khách, anh Phạm Kim Tiến kể: “Trước đây, sen chỉ nở rộ vào tầm tháng 5 đến tháng 7 thì nay có nhiều giống mới có thể khoe sắc tới tháng 9, tháng 11. Hiện chúng tôi có hơn 100 giống sen trồng thử nghiệm khác nhau, nhiều giống có hoa đẹp, ấn tượng như sen ngàn cánh, sen đỏ Bắc Kinh, sen Super lotus...

Những loại sen này chủ yếu thu hoạch hoa và có đầu ra ổn định. Tuy nhiên, năm nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên gặp rất nhiều khó khăn”.

Ước mơ đưa Sen quê Bác ra thế giới ảnh 1

Anh Tiến là người đưa sen ngàn cánh về trồng hồ đầu tiên ở Việt Nam

Sinh ra ở làng sen, lớn lên bên những cánh đồng sen bát ngát, anh Tiến dành tình yêu đặc biệt với loài hoa này. Sau khi học xong thạc sĩ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh thử sức với nhiều công việc ở nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng đều thất bại. Quyết định trở về quê lập nghiệp, với kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, anh mở cơ sở kinh doanh phân bón, giống lúa. Ngoài kinh doanh, chàng trai trẻ dành thời gian chăm sóc, sưu tầm các giống sen, tìm hiểu đặc tính sinh học và các sản phẩm khác nhau từ sen.

“Trong ký ức tuổi thơ của tôi luôn hiện hữu những đầm sen tỏa hương, những búp sen hồng thắm và cả sự ngọt ngào của gương sen đến mùa thu hoạch. Mang theo hồi ức ấy, tôi bắt đầu khởi nghiệp, đa dạng các sản phẩm từ cây sen, nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng cho du khách khi về với làng Sen quê Bác”, anh nói.

Vốn yêu sen từ nhỏ nên lần này, anh Tiến nghĩ đến chuyện làm sao để giữ mãi vẻ đẹp của những đóa sen đang nở. Lục mở những kiến thức được học, cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, đồng nghiệp và bạn bè trong ngành chế biến trồng sen, ý tưởng của anh dần hoàn thiện.

Năm 2013, từ số tiền tích lũy khoảng 160 triệu đồng, anh quyết định đấu thầu một số đầm trong xã, đầu tư mua giống, phân bón để trồng sen. Giống sen bản địa tuy thích nghi tốt với môi trường, điều kiện sống nhưng đang dần thoái hóa giống. Do đó, ngoài bảo tồn giống sen bản địa, anh sưu tầm, thử nghiệm ươm 52 giống sen khác nhau cả trong và ngoài nước tại những vùng ruộng thấp trũng dân làng không canh tác.

Thương hiệu “Sen quê Bác” ra đời và ngày càng khẳng định tên tuổi trên thị trường chính là “quả ngọt” giúp các thành viên HTX Sen quê Bác có thêm động lực để phấn đấu và không ngừng sáng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ độc đáo bắt nguồn từ Sen.

Thời gian đầu, không ít người dân trong thôn, xã hoài nghi với việc làm của anh. Bởi lâu nay, người dân chỉ quen trồng các giống sen bản địa. Việc thuyết phục người dân thay đổi về giống, cách trồng, chăm sóc và chế biến sen không hề đơn giản. Chỉ đến khi thấy được kết quả khả quan từ việc trồng nhiều giống sen mới của anh Tiến, người dân mới bắt đầu xuôi lòng.

“Mỗi giống sen có những ưu, nhược điểm riêng. Ban đầu, khi bắt tay vào việc tạo ra các sản phẩm từ sen cực kì khó khăn và vất vả. Việc lựa chọn ra giống phù hợp với khí hậu, thời tiết miền Trung đã khó chứ chưa nói đến vấn đề khác. Cây sen có thể làm ra rất nhiều sản phẩm khác nhau. Ví như sen cốm có thể làm chả lá sen, bông sen lấy gạo ướp trà, củ sen dùng để muối chua ngọt... Bên cạnh đó, lá sen có thể làm hương, bột lá sen có thể chế thành mỹ phẩm”, chàng thạc sĩ 8X hào hứng.

Ước mơ đưa Sen quê Bác ra thế giới

Sau 5 năm mày mò tìm hiểu, nghiên cứu về sen, cuối năm 2018, Phạm Kim Tiến mạnh dạn thành lập HTX Sen quê Bác chỉ với 7 người. Đến nay, HTX đã có 17 thành viên, mở rộng quy mô trồng sen lên tới 50ha với hơn 100 giống.

Ngoài trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen còn chế biến sâu các sản phẩm về sen gồm: các loại trà sen (trà ướp hoa sen, Trà Liên Tu,...), nhóm sản phẩm từ hạt (hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen, củ sen muối...). Trong số 12 sản phẩm được chế biến từ sen có đến 7 sản phẩm đạt OCOP, 2 sản phẩm đang xây dựng hướng đến xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản.

“Với tôi, phát triển trồng sen tại quê hương không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm, sứ mệnh của một người con trên quê hương Bác”, anh Tiến tâm sự.

Năm 2020 là năm thành công với Phạm Kim Tiến khi anh vinh dự đoạt giải nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ IV” của Tỉnh đoàn Nghệ An và đoạt giải Nhì cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An do Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An phát động.

Sau những thành công bước đầu, Phạm Kim Tiến đã hợp tác với một số cửa hàng để trưng bày, bán trà sen, các chế phẩm từ sen tại Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh,… và ôm giấc mơ xuất khẩu.

Theo Giám đốc HTX Sen quê Bác, để làm ra những sản phẩm từ sen có giá trị luôn đòi hỏi sự công phu, tỉ mẩn cùng máy móc hiện đại. Một trong những sản phẩm cao cấp nhất được làm từ cây sen là trà ướp gạo sen. Và để làm ra được sản phẩm này, đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt, kỳ công trong từng công đoạn. Nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng từ những đầm sen có môi trường trong lành. Vào mùa sen nở, những bông sen Bách Diệp to nhất còn đang chúm chím nở sẽ được cắt vào sáng sớm, khi chưa có ánh sáng mặt trời. Hoa sen được mang về cắm vào nước, sau đó nhẹ nhàng tách cánh hoa và bỏ vào khoảng 12g trà Shan Tuyết đã được ủ hương trước với gạo sen.

“Trà Shan Tuyết được thừa hưởng khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ của huyện miền núi Kỳ Sơn, với nhiều ngày có mây mù nên chè búp to, phủ 1 lớp trắng nhẹ như tuyết, được sản xuất theo phương pháp truyền thống, hoàn toàn không sử dụng hương liệu, thuốc bảo vệ thực vật. Khi pha nước trà màu vàng đượm như màu của mật ong, thanh vị và có tác dụng giải độc cho cơ thể.Mỗi kg trà sen phải mất từ 800 – 1.500 bông sen. Hiện sản phẩm này có giá từ 800.000 đồng - 1,5 triệu đồng/kg”, anh Tiến nói.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.